WeChoice Awards 2023 là nơi để kể những câu chuyện về lòng dũng cảm và sự tử tế tiếp nối nhau, về những con người dẫu bình thường nhưng vẫn sống một cuộc đời thật trọn vẹn và rực rỡ.

  • Hoàng Hoa Trung - Dự án Nuôi Em WECHOICE
    AWARDS 2023
  • Hoàng Hoa Trung - Dự án Nuôi Em WECHOICE
    AWARDS 2023
  • Hoàng Hoa Trung - Dự án Nuôi Em WECHOICE
    AWARDS 2023
Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em
Chính sự gắn kết giữa việc người nuôi được gắn tên trên ảnh thẻ các em, được biết mặt, biết tên các em sẽ khiến họ cảm thấy rất tin tưởng và được thôi thúc muốn chia sẻ mô hình này đến với người khác. Tôi chỉ quan tâm rằng nếu học sinh cần thì chúng tôi sẽ làm, và không loại trừ một hướng làm nào. Tôi sẽ làm tất cả vì học sinh.
ĐỂ CỬ
Hoàng Hoa Trung - Dự án Nuôi Em
HẠNG MỤC
Nhân vật truyền cảm hứng
LƯỢT BÌNH CHỌN
Đội ngũ thực hiện
Bài viết: Diệp Nguyễn
Ảnh: Linh Phạm
Thiết kế: Huyền Trang
Chịu trách nhiệm sản xuất: Tôn Quỳnh Lâm
Đạo diễn: Khôi Nguyên
Sản xuất: Việt Trần - Dahan
Quay phim: Khôi Nguyên - Đức Hoàng
Hậu kỳ: Đức Hoàng
Nội dung: Bích Diệp
Đơn vị tài trợ thiết bị: Origin Movement


Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 2.

Hoàng Hoa Trung là một người sẽ khiến bạn bất ngờ khi gặp lần đầu.

Khác với một tưởng tượng về một người làm thiện nguyện thì chắc là sẽ ít nói, thâm trầm và từ tốn như một nhà hiền triết, Hoàng Hoa Trung nói nhiều và nói nhanh như một… cái máy. Dáng điệu thì hấp tấp và luôn như thể đang trong một việc gì đó rất bận. Trung thích nói và có thể nói say sưa hàng tiếng đồng hồ về những dự án mình đang làm, những điểm trường mình đã xây với một sự nhiệt huyết đáng nể. 33 tuổi, Hoàng Hoa Trung đang là chủ nhiệm của dự án Nuôi em - dự án thiện nguyện đang được cộng đồng cực kỳ tin tưởng và yêu mến nhờ ý tưởng mỗi người có thể nhận nuôi cơm trưa cho một em bé vùng cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án Nuôi em đã trải qua một hành trình kéo dài 10 năm. Nhưng chỉ cho đến 2 năm trở lại đây, Nuôi em mới nhận được sự quan tâm từ xã hội khi hiệu ứng truyền miệng từ các anh chị nuôi lan rộng.

Ít ai biết, đằng sau hành trình đầy sự hy vọng ấy lại là một câu chuyện tái sinh của một con người đã từng tan vỡ và rồi tìm thấy sứ mệnh của mình.

"Năm lớp 11, tôi từng có ý định kết thúc cuộc đời mình". Hoàng Hoa Trung chia sẻ.


Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 1.


"Khi không thể chết thì tôi đã nghĩ rằng mình hãy sống cuộc sống mình muốn đi!"

Hoàng Hoa Trung


Thời điểm đấy, gia đình của Trung gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mẹ có bệnh, bố thì nghỉ hưu nhưng vẫn phải đi làm bốc vác để lo cho gia đình. "Lương của bố chỉ có 3 triệu, mà tôi phải có 5 triệu thì mới đủ để đi học thêm. Vậy nên tôi nghỉ để bố đỡ vất vả". Việc nghỉ học tạo ra những áp lực khác cho Trung khi mọi thứ trở nên không thuận lợi và tương lai dường như đóng sập lại khi Trung mất hết niềm tin. "Tôi thậm chí đã mua thuốc ngủ", Trung nói. Nhưng khi cầm trên tay những viên thuốc và bắt đầu quan sát cuộc sống, Trung nhận ra có biết bao nhiêu sự khổ đau và mất mát khác đang diễn ra xung quanh mà họ vẫn đang chiến đấu mỗi ngày đấy thôi. Giây phút Trung nhận ra mình chưa muốn chết cũng là giây phút mang tính bước ngoặt. "Khi không thể chết thì tôi đã nghĩ rằng mình hãy sống cuộc sống mình muốn đi!". Và cuộc đời Trung thấy ý nghĩa nhất là khi có thể giúp đỡ được người khác. "Mỗi ngày, chỉ cần giúp được một đến hai người là tôi thấy cuộc đời mình có lý do để tiếp tục".

Đó chính là lúc Trung bắt đầu tham gia những tổ chức thiện nguyện, rong ruổi khắp các vùng núi cao để xây trường cho học sinh dân tộc thiểu số. Và đây cũng là thời điểm, Hoàng Hoa Trung bắt đầu lờ mờ có những ý tưởng đầu tiên về một dự án nuôi cơm cho các em nhỏ. Mà sau này, dự án ấy sẽ được gọi với một cái tên thân thương: Nuôi em. 


Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 1.

Một bữa cơm trưa để trẻ đến trường

Để đến thăm cái nôi của dự án Nuôi em, bạn phải đi một chuyến xe giường nằm 12 tiếng đến Điện Biên, rồi tiếp tục nằm thêm 4 tiếng nữa để đến trung tâm huyện Mường Nhé. Tại đây, bạn sẽ cần đổi xe con để đi thêm nửa tiếng nữa mới có thể đến được xã Chung Chải. Cuộc hành trình vẫn chưa dừng lại nếu bạn muốn đến điểm trường đầu tiên được xây từ quỹ Nuôi em ở Nậm Vì, bạn sẽ mất thêm khoảng 20 phút đi xe máy trên một địa hình hiểm trở với đường đất dốc đứng, hai bên là sườn núi thoai thoải, và việc đang phóng xe phải dừng lại để cua gấp do gặp một chiếc cần cẩu chắn đường là chuyện bình thường.

Với địa hình giáp biên giới Lào và Trung Quốc, huyện Mường Nhé không những xa xôi mà còn là một trong những điểm nóng về ma túy. Đằng sau vẻ đẹp hoang sơ của những khoảng rừng nguyên sinh và dải hoa dã quỳ nở lấp lánh dưới nắng - lại là những túp lều cơ cực liêu xiêu và tương lai mù mịt của những đứa trẻ có bố mẹ đều đã đi tù vì án với hàng trắng. 10 năm trước, dù nhà nước đã có chế độ nuôi cơm cho 2 triệu học sinh miền núi, thế nhưng ở một nơi có địa hình hiểm trở như Mường Nhé, sự hỗ trợ ấy vẫn chưa thể chạm đến. 


 

Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 4.

Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 6.

Và đấy là nơi mà dự án Nuôi em được bắt đầu nhen nhóm ra đời - ở một điểm trường nhỏ xíu cheo leo trên một quả đồi, nằm sâu trong một bản nhỏ thuộc xã Nậm Vì. 10 năm trước, Hoàng Hoa Trung cùng các đồng đội của chương trình Sức Mạnh 2000 (tiền thân của dự án Nuôi em) ghé thăm và xây dựng một điểm trường tại nơi này. Ngôi trường được làm từ những thanh tre đập dập ra và đan vào thành rào chắn, trẻ con ngồi trong lớp sẽ phải nghĩ đến chuyện đổi chỗ liên tục vì nắng, hay phải đối phó với những chú bò thỉnh thoảng sà vào ô cửa… liếm tóc. Nhưng có một hiện tượng bí ẩn: Cứ đến mỗi buổi trưa, những đứa trẻ sẽ khoác lên lưng một chiếc gùi và bỏ vào rừng rồi không quay trở lại vào buổi chiều. Trường đã có, tại sao học sinh vẫn không chịu đi học? Hoàng Hoa Trung quan sát và nhận ra, điều khiến lũ trẻ vắng mặt tại lớp chiều chính là… bữa trưa. Nhà chúng nghèo đến mức không có nổi nắm cơm trắng để mang đến trường chan với nước suối mà phải vào rừng hái măng ăn. Khi đã no bụng thì trời cũng chuyển muộn, nhà lại cách rất xa trường, vậy nên chẳng đứa nào có thể quay lại trường để học tiếp buổi chiều. Ý tưởng về một chương trình thiện nguyện nuôi cơm trưa cho học sinh miền núi cũng bắt đầu le lói từ đấy.


Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 1.

"Nuôi em là mô hình 1 em nhỏ sẽ có một người nhận nuôi. Các thầy cô giáo cắm bản sẽ được kết nối cùng người nhận nuôi đó, mỗi tháng một lần họ được cập nhật thông tin với nhau, một năm họ sẽ đi thăm các em một lần. Chính sự kết nối giữa con người với con người, sự gắn kết giữa việc người nuôi được gắn tên trên ảnh thẻ các em, được biết mặt, biết tên các em… sẽ khiến họ cảm thấy rất tin tưởng và được thôi thúc muốn chia sẻ mô hình này đến với người khác".

Trong 4-5 năm đầu, dự án Nuôi em đã đạt được con số 100 triệu tiền nuôi cơm cho các em nhỏ, với khoảng 88 em được nuôi. Đó là một con số không ít với một dự án non trẻ đến từ một thanh niên ngoài 20 như Hoàng Hoa Trung khi ấy. Nhưng sự giới hạn về tuổi đời, kinh nghiệm và cả các mối quan hệ khiến dự án này mới chỉ hay chứ chưa thật sự được phát huy tối đa hiệu quả của nó. Thậm chí, đã từng có giai đoạn các em nhỏ được ăn rồi thì chính tổ chức lại nợ tiền nhà cung ứng, và Trung cùng các đồng đội lại dành cả một mùa hè để gây quỹ bù lại.


"Chính sự kết nối giữa con người với con người, sự gắn kết giữa việc người nuôi được gắn tên trên ảnh thẻ các em, được biết mặt, biết tên các em… sẽ khiến họ cảm thấy rất tin tưởng và được thôi thúc muốn chia sẻ mô hình này đến với người khác". 
Hoàng Hoa Trung

Đó cũng là khi Hoàng Hoa Trung vô tình đọc được cuốn sách Word of Mouth Marketing, cuốn sách mà với Trung - "nó đến với tôi như một sứ mệnh". Trung đọc ngấu nghiến cuốn sách trong đêm và gõ lại toàn bộ mô hình dự án Nuôi em thành một bài viết đăng tải trên Facebook. Chỉ trong một đêm, bài viết đã thu hút đông đảo sự chú ý của cư dân mạng với hàng nghìn like (cái thời nghìn like vẫn còn là cái gì đấy rất ghê gớm) và có đến 500 người nhận nuôi xuất hiện. Hoàng Hoa Trung tức tốc gọi điện cho các phòng giáo dục và nhận được cái gật đầu về sự khả thi nếu tăng số lượng anh chị nuôi các bé, vậy là Trung lao đầu vào làm và tự tin đẩy con số lên 5400. Bước ngoặt đến với Trung khi tham gia vào chương trình thiện nguyện Quốc gia của Trung ương Đoàn, người giám đốc khi ấy nói: "Nếu em biến được Nuôi em thành mô hình, ngay cả khi em chết đi, mô hình ấy vẫn chạy và sẽ tiếp tục được nhân rộng". 


Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 2.

Đến thời điểm hiện tại, Nuôi em đã đến với 20 tỉnh thành, và có đến 12 tỉnh đã tự nhân rộng từ chính địa phương. "Đấy chính là sự thú vị của mô hình" - Hoàng Hoa Trung nói. "Khi ta làm đúng, các bạn sẽ làm theo và làm được. Tôi không phải lo nuôi cơm hết tất cả trẻ con ở những vùng còn khó khăn mà chính những địa phương cũng có thể tự áp dụng mô hình đấy". Năm 2017, Nuôi em chỉ có 55-88 em nhỏ được nhận nuôi. Đến năm 2018, con số tăng lên 5400. 2019 là 12.000, rồi cứ thế chạm dần những cột mốc 24.000, 40.000, và bây giờ là 100.000 em nhỏ được kết nối với các anh chị nuôi.

Sự thành công của Nuôi em là lời hồi đáp cho không chỉ sự hợp lý từ mô hình của Hoàng Hoa Trung, mà còn nói thay mong mỏi của cộng đồng vào một lối làm thiện nguyện bền vững và có tính kết nối sâu sắc. Sự đổ vỡ về niềm tin cho các tổ chức từ thiện cộng với những câu hỏi mang tính chất vấn tự thân về con cá và cần câu - đã được Nuôi em giải đáp một cách rất dung dị. Mỗi người, với 150.000 mỗi tháng - chỉ nhỉnh hơn cốc cafe một chút - là đã có thể nuôi cơm một em nhỏ ở vùng cao với đầy đủ thông tin về họ tên lẫn hình ảnh. Số tiền bỏ ra không hề lớn, nhưng mối dây kết nối được thiết lập lại mang cho người nuôi một cảm giác trách nhiệm và đầy yêu thương với em nhỏ mình nhận nuôi. Không hứa hẹn những kế hoạch vĩ mô, điều Nuôi em mang đến rất đơn giản và thiết thực: Chỉ một bữa cơm trưa để em nhỏ có thể hào hứng đến trường. Và Hoàng Hoa Trung cùng dự án của mình đã làm được điều đấy.


"Khi ta làm đúng, các bạn sẽ làm theo và làm được. Tôi không phải lo nuôi cơm hết tất cả trẻ con ở những vùng còn khó khăn mà chính những địa phương cũng có thể tự áp dụng mô hình đấy"
Hoàng Hoa Trung 

Những bước đi thực tế

Nhưng giấc mơ của Hoàng Hoa Trung thì không chỉ dừng lại ở những bữa cơm trưa cho trẻ em. Suốt tuổi trẻ, Trung lăn lộn ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc cho những chuyến phiêu lưu và dấn thân vào những hành trình thiện nguyện. Trung nhìn thấy những ngôi trường xiêu vẹo, những thầy cô giáo cắm bản sẵn sàng trích số tiền lương ít ỏi hàng tháng để mua mì tôm làm "mồi" câu học sinh đến lớp, những đứa trẻ mà thế giới chỉ thu nhỏ trong bản làng và sẽ rời trường học ngay khi đến tuổi có thể lập gia đình. Phải làm điều gì đó để thay đổi bối cảnh này, lũ trẻ không chỉ đến trường chỉ để ăn cơm, chúng cần nhìn thấy được tương lai có thể đổi khác như thế nào nếu chọn việc học.

Có một câu chuyện mà Trung cứ nhắc mãi, đấy là trường hợp một em nhỏ đủ điểm để vào trường công an nhưng lại không thể vì bị thiếu 1cm chiều cao. "Tôi hoàn toàn có thể tìm những dự án giúp các em tăng trưởng hơn nữa về mặt thể chất. Đó là sự kết nối với các hãng sữa và là điều hoàn toàn có thể làm được". Thậm chí, Trung đã nghĩ đến việc lắp những thanh xà ngang để các em có thể vận động thêm khi đến trường.

Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 9.

Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 11.

Ngay khi Nuôi em nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng, Hoàng Hoa Trung bắt đầu nghĩ về một hệ sinh thái, nơi mà dần dà, không chỉ bữa ăn mà cơ sở vật chất của lũ trẻ và thầy cô giáo cắm bản cũng sẽ dần được cải thiện. Những ngôi trường mới khang trang bắt đầu được xây dựng, những giá sách được đặt ở cuối lớp với sách truyện được chuyển từ miền xuôi, những phòng tin học với máy tính cũ được tân trang chạy ro ro như mới. "Ở dưới xuôi họ sẵn sàng đem cho hoặc vứt những chiếc laptop còn đang dùng rất tốt, tôi tìm cách giúp các bạn sinh viên dân tộc làm danh sách người cho máy, người cho tiền sửa, người sẵn sàng sửa miễn phí chỉ lấy tiền linh kiện thay thế thôi. Mỗi năm, chúng tôi tân trang được 200 chiếc laptop như vậy. Tôi tận dụng số lượng mình đang có hoặc kêu gọi thêm để tạo ra một dự án mới cho các bạn nhỏ vùng cao". Trung không giấu nổi niềm tự hào khi nhắc đến những dự án phái sinh từ Nuôi em. "Gần đây, chúng tôi có dự án bếp ga công nghiệp cho các thầy cô. Sự xuất hiện của bếp ga công nghiệp giúp việc chuẩn bị bữa ăn cho các em diễn ra nhanh chóng, quỹ thời gian của thầy cô giáo cũng thoải mái hơn cho việc dạy học cũng như chăm sóc gia đình".

Trong suốt chuyến đi ngắn ngủi đến Điện Biên, chúng tôi cứ miệt mài đi thăm các điểm trường từ lớn đến nhỏ ở nơi này. Tất cả đều đã được xây mới khang trang, đã có tủ sách, đã có phòng tin học, vậy cuối cùng thành quả sau cùng của những việc này là gì? Có bao nhiêu phần trăm học sinh sau khi tốt nghiệp THCS sẽ tiếp tục học lên THPT thay vì lập gia đình và sinh con khi tuổi mới qua 18? Liệu việc xây thêm những ngôi trường, có thêm những tủ sách và máy tính có phải là giải pháp để cuối cùng thì cái vòng lặp luẩn quẩn của sự nghèo khó cũng sẽ chấm dứt?

Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 1.

"Không nhiều". Hoàng Hoa Trung nói. "Đó là một bức tranh lớn hơn phụ thuộc vào môi trường và tập quán của người dân tộc nữa. Nhưng với tôi, thực chất dự án Nuôi em cũng chính là trao đi một cái cần câu". Chỉ với một bữa ăn nhưng có thể gắn liền các em nhỏ với việc đến trường cho đến khi học xong cấp 2. Các em sẽ được trang bị đủ nền tảng về kiến thức và có cơ hội tiếp cận với giáo dục phổ thông, từ đó tùy vào sự nỗ lực, các em có thể chọn học tiếp lên cao.

Nhưng Trung bắt đầu nhận ra đôi khi việc bước chân ra thành phố để học đại học chưa chắc sẽ là cách tốt nhất để cải thiện cuộc sống tương lai của đám trẻ nơi này. Áp lực đô thị khiến chúng ta cứ nghĩ rằng nhiều em phải ra thành thị học tiếp đại học mới là tốt. "Nhưng đâu phải em nào cũng có đủ điều kiện và nhu cầu nhận thức như vậy? Nhỡ đâu có những em chỉ muốn phát triển một cách nhẹ nhàng ở địa phương thì sao?". Nghĩ vậy, Trung và các thầy cô giáo bắt đầu tìm hiểu thêm về các cơ chế và mô hình học nghề, học làm lâm nghiệp, sửa chữa cơ khí… những ngành nghề luôn cần rất nhiều nguồn lực địa phương. Đó là những hướng đi thiết thực hơn để kiến tạo tương lai của những đứa trẻ, để chúng có thể lớn lên và làm giàu cho chính mảnh đất quê hương của mình.


"Nhưng đâu phải em nào cũng có đủ điều kiện và nhu cầu nhận thức như vậy? Nhỡ đâu có những em chỉ muốn phát triển một cách nhẹ nhàng ở địa phương thì sao?"
Hoàng Hoa Trung 

Bữa cơm nhỏ nuôi giấc mơ to

Sau một ngày mệt nhoài ghé thăm các trường, buổi tối, chúng tôi được mời lại ăn một bữa cơm thân mật với tất cả các thầy cô cắm bản. Hoàng Hoa Trung lúc này không còn đóng vai một vị khách, mà trở thành một trong số những người ở đây, quen thân và trò chuyện với tất cả thầy cô giáo như những người anh em trong nhà. Cả đêm hôm đó và ngày hôm sau, Trung say sưa kể với người bạn đồng hành của tôi về những kế hoạch cho tương lai của Nuôi em. Lúc nào bên trong Trung cũng có đầy những dự định mới và luôn trong trạng thái tìm cách để biến những dự định ấy thành sự thật. Đó cũng là lý do vì sao Trung không từ chối sức mạnh của truyền thông, dù hơn ai hết, Trung hiểu rằng việc làm từ thiện song hành với truyền thông giống như đi trên một lằn ranh rất mong manh của sự tán dương nhưng cũng có thể quay lưng trong chốc lát.

"Thật ra, tôi chẳng quan tâm đến việc nói nhiều hay ít đâu". Trung thẳng thắn. "Tôi chỉ quan tâm rằng nếu học sinh cần thì chúng tôi sẽ làm, và không loại trừ một hướng làm nào. Tôi sẽ làm tất cả vì học sinh".

Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 2.

"Tôi chỉ quan tâm rằng nếu học sinh cần thì chúng tôi sẽ làm, và không loại trừ một hướng làm nào. Tôi sẽ làm tất cả vì học sinh".
Hoàng Hoa Trung 

Nhiều người thấy Hoàng Hoa Trung và Nuôi em xuất hiện nhiều trên truyền hình và báo chí, nhưng với Trung, chừng đó không đủ tạo ra sức mạnh và sự tin tưởng từ cộng đồng. "Dù chúng tôi có được giải thưởng to lớn đến nhường nào, thì cũng chẳng ai quan tâm nếu chúng tôi làm không tốt". Và thực tế, khi câu chuyện của Nuôi em được đông đảo cộng đồng biết đến, đã có thêm hàng trăm, hàng nghìn em nhỏ được nhận nuôi. "Đó là câu chuyện của sự lựa chọn, khi ta làm điều đúng đắn thì cũng đừng ngại để chia sẻ. Vì không có lý gì chúng ta từ bỏ cơ hội đấy để các em nhỏ mất đi cơ hội được ăn một bữa cơm".

Chuyến đi Điện Biên để lại trong tôi đầy những suy tư. Tôi nhìn những ngôi trường mới sẽ mọc lên khang trang, những bữa cơm đủ đầy hơn cho đám trẻ và những tủ sách, những phòng tin học cũng sẽ được cải tạo mới. Nhưng rồi có một cảm giác mông lung về con đường mà những đứa trẻ sẽ lựa chọn, về cái nghèo vẫn đeo bám trên từng dặm đường của mảnh đất xa xôi này. Có lẽ, những suy tư đấy không phải điều có thể trả lời được, bởi nó còn phụ thuộc vào những yếu tố mang tính vĩ mô hơn - như Hoàng Hoa Trung đã chia sẻ - đó là câu chuyện của tập quán và những nỗ lực tự thân. Và trong lúc chờ đợi sự chuyển động mang tính xã hội của một cộng đồng, thật tốt khi vẫn còn những tổ chức như Nuôi em, vẫn tin vào việc có thể tạo ra sự thay đổi từ những bước đi rất nhỏ, mang cơ hội sống một cuộc đời tốt hơn cho trẻ em vùng cao khi các em được tiếp xúc với giáo dục đủ lâu, và gieo một giấc mơ lớn cho cả một tập thể - dẫu tất cả chỉ bắt đầu bằng một thứ nhỏ bé như bữa cơm trưa. 

Hoàng Hoa Trung: Bữa cơm nhỏ nuôi ước mơ to và dự án Nuôi em - Ảnh 14.

 

Truyền thông viết về đề cử
    Đơn vị tổ chức
    ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
    Đơn vị thực hiện
    SPECIAL THANKS TO
    Đơn vị hợp tác sản xuất ÂM NHẠC
    Đơn vị hỗ trợ