"Anh Long là người rất giỏi kiến thức về nghề. Mình đã được nghe anh Long kể chuyện, bản thân mình được truyền cảm hứng rất nhiều về nghề", đó là lời SOOBIN đã chia sẻ sau thời gian làm việc và tiếp thu những thông điệp tích cực từ nghệ sĩ Tự Long. Năm 2024 là cột mốc mới, đưa nghệ sĩ Tự Long đến gần hơn với đối tượng khán giả trẻ, thế hệ gen Z. Những hành động, phát ngôn của nghệ sĩ Tự Long đều lan toả mạnh mẽ tinh thần tự hào dân tộc, khát khao gìn giữ và bảo vệ những giá trị tốt đẹp của quê hương đất nước.
Nghệ sĩ Tự Long và hành trình lan toả tinh thần "Việt Nam tôi đó" ở Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai
Tham gia một chương trình thực tế ở tuổi 51, nghệ sĩ Tự Long chứng minh bản thân là người cầu tiến, luôn sẵn sàng tiếp thu những đổi mới song song với việc phát huy những giá trị truyền thống xuất phát từ nguồn cội. Ở Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, nghệ sĩ Tự Long không chỉ xuất hiện với vai trò một đàn anh chỉ bảo thế hệ nghệ sĩ trẻ mà còn là "người truyền lửa" thông qua các bài hát trong từng công diễn. Một trong những tiết mục của nghệ sĩ Tự Long kết hợp cùng Cường Seven, SOOBIN gây sốt chính là Trống Cơm. Phần trình diễn của nhóm không chỉ mang tính giải trí mà còn thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời khi kết hợp giữa âm nhạc dân gian với một phong cách biểu diễn rất mới mẻ và đầy năng lượng. Trống Cơm giúp Tự Long và đội của anh thể hiện được tài năng, sự hiểu biết và tình yêu đối với âm nhạc truyền thống, đồng thời mang đến một làn gió mới cho thể loại nghệ thuật dân gian.
Nghệ sĩ Tự Long chia sẻ: "Đây không phải là bài hát trọn vẹn, Trống Cơm chỉ là một điệu hát. Chương trình đã cho chúng ta sáng tạo nhưng không quá 50% để cho ra một tác phẩm mới. Chúng ta làm một ca khúc, làn điệu truyền thống nhưng cần có sự giao thoa, kết hợp giữa truyền thống và đương đại, để ca khúc của chúng ta được người già, trung niên, người trẻ vẫn có thể lắng nghe. Những gì thuộc về dân tộc thì ta hãy giữ lấy sau đó phát triển, cách điệu, khoa trương và cuối cùng là thăng hoa.
Trống Cơm nói về văn hóa. Văn hóa là bản chất, là cội nguồn dân tộc. Phương diện văn hóa mà chúng tôi muốn kể chính là tiếp nối giá trị truyền thống. Chúng tôi muốn cho những người trẻ hiểu và tiếp cận nhiều hơn nữa, để thêm yêu vốn cổ của dân tộc".
Ngoài ra, cũng trong Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, nghệ sĩ Tự Long đã cung cấp nhiều kiến thức quý báu về cuộc đời người lính. Cụ thể, Nhà Xương Rồng (gồm Duy Khánh, Thanh Duy, Thiên Minh và Bùi Công Nam) nhận đề bài mashup Áo mùa đông & Trở về. Với đề bài là ca khúc Cách mạng, nhóm của Duy Khánh cho biết không thể thoải mái cách điệu mà phải xây dựng tiết mục dựa trên hoàn cảnh ra đời của bài hát.
Dù bận rộn với tiết mục riêng nhưng NSND Tự Long vẫn dành thời gian ngồi lại, trò chuyện và chia sẻ về câu chuyện lịch sử, những năm tháng hào hùng của dân tộc. Trong buổi trò chuyện, Tự Long thổi bùng lòng yêu nước cho các "anh tài" khi mang đến câu chuyện về người lính thời chiến. NSND Tự Long giải thích: "Người hậu phương luôn muốn gửi gắm cái đẹp, ấm áp ra tiền tuyến. Người ở trận tuyến có sức mạnh khi mặc áo được gửi từ hậu phương, cảm nhận được tình yêu của gia đình, làng quê, giúp họ chắc tay súng để diệt quân thù. Những tấm áo không chỉ là hơi ấm mà được thấm máu của người ra chiến trường, để màu cờ Tổ quốc luôn được đỏ tươi".
Trong chương trình, ngoài thể hiện là người có kiến thức uyên thâm về văn hoá truyền thống và lịch sử dân tộc, nghệ sĩ Tự Long còn ghi điểm trong mắt công chúng bởi hình ảnh người đàn anh rất gần gũi và thân thiện. Rất nhiều anh tài sau chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã dành tình cảm, sự yêu mến và tôn trọng nhất định dành cho nam nghệ sĩ. Những hành động, phát ngôn của nghệ sĩ Tự Long trong chương trình đã kéo gần khoảng cách thế hệ của những nghệ sĩ gạo cội và thế hệ hậu bối. Ngoài ra, việc kết hợp và lồng ghép sâu sắc những thông điệp tích cực, khơi gợi lòng yêu nước trong những tiết mục có sự góp mặt của nghệ sĩ Tự Long đã nung nấu thêm sự tự hào, tự tôn dân tộc của khán giả trẻ tuổi.
Nghệ sĩ Tự Long gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống
Sinh ra trong gia đình có cha mẹ là nghệ sĩ chèo, nghệ sĩ Tự Long thừa hưởng gen nghệ thuật từ nhỏ. Sau này, anh trở thành nghệ sĩ chèo tài năng, còn được khán giả ưu ái gọi là "Long Chèo". Tự Long nhận được rất nhiều huy chương vàng, huy chương bạc tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. Nam nghệ sĩ đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 2015.
Trong vai trò Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, NSND Tự Long tiếp tục nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Anh không chỉ tham gia biểu diễn mà còn tích cực trong các dự án sáng tạo nhằm đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với khán giả hiện đại. Qua các chương trình biểu diễn, hội thảo và hoạt động quảng bá, nam nghệ sĩ đã thành công trong việc kết nối các thế hệ với nghệ thuật dân tộc, góp phần giữ lửa đam mê và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam.
Với chương trình Táo quân, Tự Long đã gắn bó từ những số đầu tiên. Tự Long còn là nghệ sĩ đóng nhiều vai Táo nhất trong Gặp nhau cuối năm. Nam nghệ sĩ đảm nhận từ Táo Giao thông, Táo Văn hóa - Giáo dục, Táo Thể thao đến Táo Thổ địa, Táo Tinh thần...
Bên cạnh những thành tựu nghệ thuật, NSND Tự Long còn ghi dấu ấn trong các hoạt động cộng đồng. Chương trình "Trung thu không xa cách" do nam nghệ sĩ tổ chức đã mang niềm vui và sự sẻ chia đến với trẻ em và đồng bào chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
NSND Tự Long còn là hình mẫu của một nghệ sĩ gắn bó với gia đình. Những khoảnh khắc hạnh phúc bên vợ và các con của nghệ sĩ Tự Long luôn thu hút sự quan tâm và yêu mến từ công chúng. Với những gì đã thể hiện trong cả chặng hành trình sự nghiệp nói chung và trong năm 2024 nói riêng, Tự Long trở thành biểu tượng vừa gần gũi, vừa truyền cảm hứng mạnh mẽ.