Đúng 0h00’ ngày 8/3, Suboi trình làng MV Dâu Thiên Hạ, tri ân tới chị em phụ nữ Việt Nam nhân dịp quốc tế Phụ Nữ 2024. Vốn không quen mặt trên các BXH nhạc số mainstream, việc nhạc phẩm này xuất hiện trên top thịnh hành là 1 điều khá bất ngờ. Bởi lẽ, cá tính nghệ thuật của Suboi không phải gu của đại đa số công chúng, một phần vì cô thường khai thác những vấn đề còn tồn đọng trong xã hội, nhiều tầng nghĩa cần bóc tách sâu xa. Qua Dâu Thiên Hạ, có thể nói nút thắt ngăn cách giữa Suboi và thị hiếu của khán giả đã được tháo lỏng.
Ngay từ đầu. Suboi đã “lên đồ” hầm hố, phóng trên chiếc mô tô đầy mạnh mẽ, không ngần ngại khoe hình xăm. Hình ảnh này đã ngầm thể hiện Suboi là một người phụ nữ đi ngược lại với những tiêu chuẩn chung mà xã hội đặt ra. Cả MV đều được phủ lên mảng màu đậm chất điện ảnh, nhưng cũng vừa xám xịt, u ám như nói lên góc tối của phận đời người phụ nữ.
Bối cảnh của Dâu Thiên Hạ chủ yếu được đặt tại 1 khu tập thể đem lại cảm giác xưa cũ, hoài niệm. “Phải đẹp, giỏi giang, phải kiêu sa" - Suboi mượn lời ca để nói lên tiếng lòng của người phụ nữ, khi họ không những bị đặt nặng áp lực làm dâu lo toan đủ việc trong nhà mà còn phải làm dâu trọn vẹn cho thiên hạ. Mâm cao cỗ đầy, từ việc chuẩn bị đến dọn dẹp cũng một tay người phụ nữ quán xuyến hết nhưng đều không được công nhận.
Không chĩa “mũi rìu” bằng những lời lẽ nặng nề sâu cay, Suboi khéo léo quăng những miếng hài châm biếm nhằm phê phán những kỳ vọng, áp đặt vô lý của xã hội đối với phái yếu Việt Nam: “Ngoài đường xáo xông rồi trong nhà đeo một lần 3 cặp kính râm. 2 cái tay thì nhân 3, hài lòng dòng họ tít nơi xa”. Phận “3 đầu 6 tay” của người phụ nữ qua cách thể hiện độc đáo của Suboi vừa hài hước mà cũng vừa chua chát.
Một vài chi tiết mang tính biểu tượng như đàn ông mâm trên - đàn bà mâm dưới, bát cơm được qua tay nhiều người… đều nói lên thực trạng định kiến giới, trọng nam khinh nữ và phân vai vế trong gia đình từ bao đời nay. Ngoài ra, đây còn là phép ẩn dụ cho ý thức hệ, lề thói được truyền tai nhau qua mỗi thế hệ. Tư tưởng lỗi thời, lạc hậu đó vẫn tồn tại âm ỉ cho tới ngày nay.
Ngoài ra, một chi tiết vô cùng thú vị phải kể đến phân cảnh Suboi nhìn thẳng vào ống kính, đứng giữa 1 nhóm cô dì lớn tuổi tay đặt trước miệng. Điều này nói lên những dèm pha, lời bàn tán từ người lớn tuổi, hay rộng hơn là cả toàn xã hội dành cho người phụ nữ lẻ loi, cô độc. Ở cuối MV, hình ảnh Suboi loạng choạng cố gắng bước đi trên đôi ghế đỏ tượng trưng cho hành trình bứt phá, phá bỏ rào cản. Tuy khó khăn, vất vả trước mắt nhưng thành quả đạt được sẽ xứng đáng vô cùng.
Qua đây, Suboi cũng lan toả thông điệp yêu thương và chăm sóc bản thân tới người phụ nữ Việt Nam. Thay vì “công dung ngôn hạnh” chiều lòng thiên hạ, Suboi khuyến khích chị em hãy phá bỏ xiềng xích, bước ra khỏi vùng an toàn và hiện thực hóa những ước mơ của mình.
Vẫn là lối melodic rap quen thuộc, Suboi lần này còn tiết chế hơn, phô bày tính nữ mềm mỏng xuyên suốt ca khúc. Dâu Thiên Hạ gây ấn tượng khi kết hợp màu sắc drill mang âm hưởng Hip-hop đầu thập niên 2010, với chất liệu ca nhạc truyền thống văn hoá của nước nhà. Dâu Thiên Hạ là một sản phẩm chỉn chu, có đầu tư kỹ lưỡng cả về phần hình ảnh và âm thanh; chắc chắn là một trong những MV xuất sắc nhất năm vừa qua.