“Làn sóng” thổi bùng sức sống cho những bảo tàng, di tích văn hoá lịch sử vốn đóng khung trong hình ảnh cũ xưa thông qua việc làm truyền thông, làm mới trải nghiệm, thay bộ nhận diện… ngày càng được nhân rộng. Màn “thay áo mới” của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng là một trong số đó. Nhưng đặc biệt hơn, những người đứng sau sự thay đổi này lại rất trẻ, trẻ về cả tuổi nghề lẫn tuổi đời. Đó là Zám - studio gồm 10 bạn Gen Z ở TP.HCM.
Zám bắt đầu từ năm 2022, khi 2 thành viên sáng lập là Phạm Quang Vinh và Nguyễn Ngọc Thuỳ Vy (cùng sinh năm 2000) vừa tốt nghiệp đại học. Cả hai được truyền cảm hứng từ ekip Di tích Nhà tù Hoả Lò, muốn nhân rộng sáng kiến truyền thông này và Zám ra đời.
Những bước đầu tiên, Vinh và Vy gửi email cho tất cả các bảo tàng ở TP.HCM để đề xuất làm truyền thông nhưng chỉ có Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phản hồi và đồng ý. Sau đó, nhiệt huyết, niềm tin và năng lực của Zám đã thuyết phục được Ban lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử TP.HCM rằng đã đến lúc chuyển mình. Chính phía bảo tàng cũng rất cởi mở, để những người trẻ này thử sức.
Trong thời gian sau đó, Zám cũng trầy trật mới tìm được lối đi truyền thông phù hợp với bảo tàng. Đó là nội dung dễ thương, gần gũi nhưng vẫn đầy đủ thông tin, không cần quá hài hước nhưng vẫn dễ hiểu và hấp dẫn với công chúng, đặc biệt là người trẻ.
Bám theo định hướng này, Zám lần lượt đạt được những thành tựu đáng chú ý như bộ sưu tập nghệ thuật Mừng Lộc Rồng Tiên Tết 2024 được giới thiệu trên Lürzer's Archive - một trong những tạp chí sáng tạo lớn nhất thế giới, như việc nhân hoá 1 bảo tàng có tuổi đời gần 100 tuổi trong hình tượng “ông Bảo",...
Cuối tháng 8/2024, Zám tạo nên “cơn sốt” bộ nhận diện thương hiệu mới của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý của bảo tàng. Với tinh thần "Không ngừng nghỉ, không đứng yên, lịch sử luôn chuyển mình cùng thời đại để lịch sử không bao giờ là cũ" bảo tàng mang đến một diện mạo mới mẻ và gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cũng được xem là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam có bộ merch (merchandise - từ chỉ chung tất cả sản phẩm vật lý của thương hiệu/người nổi tiếng nào đó).
Ngày 11/12 vừa qua, fanpage Thông tin Chính phủ đã đăng tải bộ nhận diện của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và dành lời động viên cho team Zám: “Hoan nghênh các bạn trẻ đã đồng hành xây dựng thương hiệu và làm truyền thông cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM”.
Nỗ lực từ Zám và “ông Bảo” đã đem đến những thành quả cụ thể, không chỉ viral trên MXH mà còn tác động đến doanh thu, sự phát triển của bảo tàng. Trong dịp lễ 2/9, có những lúc bãi giữ xe của bảo tàng đã không còn chỗ để, bảo tàng cũng quyết định hoạt động xuyên trưa để phục vụ khách tham quan.
Hiện tại, quy mô của Zám đã lớn hơn với khoảng 10 thành viên, tất cả đều là Gen Z. Cùng với các cô chú anh chị ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, họ vẫn đang tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu tăng được lượng khách tham quan bảo tàng đồng thời lan tỏa tình yêu lịch sử và đất nước.
Không dừng lại ở đó, họ cũng luôn mong muốn truyền cảm hứng, hỗ trợ các bạn trẻ ở khắp mọi miền đất nước. Bởi mỗi địa phương đều có bảo tàng riêng, có nhiều di tích văn hoá lịch sử khác nhau, việc nhân rộng mô hình làm truyền thông cho những địa điểm này sẽ giúp trẻ hoá các bảo tàng, không chỉ mang lại giá trị doanh thu mà còn thúc đẩy dòng chảy người trẻ hướng về tinh thần dân tộc và văn hoá lịch sử đất nước.