5. Mùi hương của ông
Ánh mắt tôi chộp được đúng lúc thầy Khang đang quay lưng lại để nhìn ngắm cơ ngơi của mình. Một người thầy với dáng người nhỏ nhắn nhưng gánh trên vai bao phần trách nhiệm. Trách nhiệm của một người làm thầy, trách nhiệm của một người đứng đầu cả một hệ thống trường học, trách nhiệm của một người cha, người chồng, rồi cả trách nhiệm làm ông. Thầy là thầy và cũng là “ông nội” trong trái tim của biết bao thế hệ học sinh Marie Curie.
Hiếm có trường nào học sinh gọi một người thầy là “ông nội” như ở Marie Curie. Không đơn giản chỉ vì khoảng cách tuổi tác mà còn ở chính sự gần gũi của thầy dành cho học trò.
Chỉ cần bóng dáng thầy Khang, đám trẻ lại reo hò, vội vàng chạy đến âu yếm ông như lâu ngày xa cách. Vì nhớ mong ông nên chúng ôm ông, hôn ông cho thỏa lòng nỗi nhớ. Cái mùi của “ông nội”, cái mùi không chỉ đơn thuần là cảm giác ngửi được, mà còn là ký ức, là một phần linh hồn của tuổi thơ. Đó là mùi của lòng kiên nhẫn, của sự hy sinh không lời. Chúng đang ôm ông nội của chúng.
“Con chào ông nội ạ”
“Ông cho con xin chữ ký với”
“Ông ơi, ông ôm con”
…
Và “ông nội” Khang cũng ôm lấy những đứa trẻ. Bóng lưng thầy lại rơi vào mắt tôi. Đằng sau bóng lưng ấy là quá khứ thăng trầm, nhưng đằng trước là cả một tương lai. Người thầy giáo già ấy đang quay lại với quá khứ để ôm ấp lấy tương lai của mình. Hóa ra, ranh giới giữa quá khứ và tương lai ngắn như vậy, chỉ bằng một cái bóng lưng.
6. “Ông nội” keo kiệt
Dù là “ông nội” của bao thế hệ học sinh Marie Curie nhưng thầy Khang cũng chỉ là một người bình thường với những mong muốn rất đời thường.
Trong bữa cơm hàng ngày, ông cũng chẳng ưa sơn hào hải vị, chỉ thích ăn dưa cà mắm muối. Vài ba quả cà, bát canh rau muống luộc là xong bữa. Ai thật sự hiểu ý ông sẽ để ra vài mẩu ngô, khoai, sắn luộc trong mâm, để sau khi ăn xong lưng bát cơm, ông còn có cái mà tráng miệng.
Từ vài mẩu ngô, khoai, sắn luộc trong bữa ăn, thầy lại miên man về những câu chuyện thời nghèo đói cơm không có mà ăn, cái thời coi cơm độn ngô, độn sắn là cao lương mỹ. Phải chăng, theo thời gian, người ta càng nhớ nhiều hơn về những ngày tháng trước? Nhớ rồi thương, thương rồi chùng lòng.
Những câu chuyện về một thời đã qua một lần nữa lan ra, về cái thời chỉ có một bộ quần áo đi dạy học, cái thời “thầy giáo lấy giáo án mà dán áo”, rồi cái thời “tôi cưới nhà tôi” chẳng có bộ đồ tử tế nào mà mặc… Thầy từng như thế, từng là “lá rách”, để rồi sau này trở thành chiếc “lá lành”, thầy chẳng thể ngồi yên…
“Vì tôi từng là ‘lá rách’ nên tôi luôn khao khát mình có thể trở thành ‘lá lành’ để đùm bọc lấy ‘lá rách’. Sở dĩ tôi giúp được nhiều người như hiện tại, là vì ngày xưa tôi quá nghèo. Trong lúc những người xung quanh nghèo, thì tôi còn nghèo hơn những người xung quanh”, thầy Khang nói.
Những ai từng trải qua gian truân, khi trưởng thành và thành công, họ dễ đồng cảm hơn với người, bởi họ nhìn thấy chính mình trong đó. Ký ức về tháng ngày thiếu thốn, nơi họ từng mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại, khốn khó và giàu sang, yếu đuối và mạnh mẽ, chênh vênh và hy vọng, mù quáng và khát khao… không chỉ khắc sâu vào tâm trí mà còn trở thành động lực để họ sống lý tưởng hơn. Đó là cách để họ đối thoại với chính quá khứ của mình, chữa lành những vết thương cũ bằng cách mở rộng vòng tay với những người xung quanh. Từng bước đỡ những mảnh đời khác cũng là cách họ giữ lại ngọn lửa ấm áp trong trái tim mình, dù cuộc đời có nhiều đổi thay.
Ông nội có thể “keo kiệt” với chính mình, nhưng đối với người khác, đối với những đứa cháu của mình, ông hào sảng, xông xênh mà vô tư lắm.
7. Không ai “sành điệu” bằng “ông nội” Khang
Không chỉ thoáng tính mà “ông nội” Khang còn rất “sành điệu”. Sự “sành điệu” trong quan niệm của ông không được đo bằng đồ hiệu, xe sang… mà là bạn giúp được bao nhiêu người, bạn xây được bao nhiêu trường cho trẻ em nghèo, bạn giúp ích gì cho xã hội. Riêng khoản này, ông nội tự tin mình là một người “sành điệu”.
Trong một lần xem tivi về đội xây cầu đặc biệt gồm hơn 30 nông dân thuộc huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang - họ là những “hai lúa”, tuổi đã cao (trên dưới 60 tuổi), vì việc nghĩa nhóm họp lại rồi bỏ công, bỏ sức, bỏ tiền đi xây cầu cho bà con miền Tây, nước mắt “ông nội” cứ rơi vì thương cái tình, cái nghĩa của những người nông dân hiền lành chất phác này. Ngay trong đêm đó, ông đã tìm mọi cách liên lạc với ông Phạm Văn Mảnh (hay còn gọi là Sáu Mảnh) - đội trưởng đội xây cầu từ thiện và đóng góp 1 tỷ đồng ủng hộ xây thêm cầu cho bà con Miền Tây.
Không chỉ dừng lại việc góp tiền xây cầu, khi biết thông tin Đội xây cầu từ thiện của ông Sáu Mảnh cần tiền mua xe cứu thương chở từ thiện cho bà con đi viện miễn phí, thầy Khang ngay lập tức đóng góp 550 triệu đồng.
Ông cũng có duyên với người dân Mèo Vạc (Hà Giang). Nhận thấy tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh tại địa phương, thầy Khang cùng trường Marie Curie đã cấp học bổng tối thiểu 5 triệu/tháng cho những học sinh Mèo Vạc muốn theo học ngành Sư phạm Anh hoặc Ngôn ngữ Anh để sau này về cống hiến cho quê nhà. Thầy Khang và tập thể trường Marie Curie còn lên kế hoạch tài trợ khoảng 100 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị cho trường Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie - Mèo Vạc.
Rồi mới đây nhất, ông quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em may mắn còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ. Ngay sau quyết định đó, ông nội đã lập danh sách chi tiết với đầy đủ thông tin về các cháu, bao gồm tên tuổi, trường lớp, người thân và cả thông tin liên lạc của giáo viên chủ nhiệm để có thể thuận tiện liên lạc, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.
Và “ông nội” nói rõ: “Không vận động và không nhận đóng góp của bất kỳ ai, dù là trong hay ngoài nhà trường”. Tinh thần “không vận động” này được ông nội áp dụng không chỉ với dự án Làng Nủ, mà còn với nhiều dự án thiện nguyện khác của mình.
Mỗi tháng, “ông nội” sẽ gửi cho mỗi cháu 3 triệu đồng để trang trải cho việc ăn học, bắt đầu từ tháng 10/2024 cho đến năm 2039. Theo tính toán của ông, dự án sẽ kéo dài 15 năm, bởi những bé nhỏ tuổi nhất hiện nay sẽ tròn 18 tuổi vào năm 2039, lúc đó ông cũng bước vào tuổi 90. Chi phí ước tính rơi vào khoảng 12 tỷ.
Sau quyết định ấy, ông khẳng định mình là người “ham sống nhất”. Ông nội “ham sống” vì còn 22 đứa bé Làng Nủ của ông, ông muốn thấy chúng nó lớn lên và trưởng thành.
Nhưng ông cũng nói ngay: “Dù ‘ông nội’ phải đi xa thì các con vẫn được ấm no và học hành tử tế như mong muốn của ông khi quyết định nhận nuôi các con. Gia đình ông và Trường Marie Curie sẽ tiếp tục thực hiện tâm nguyện ấy”…
8. Nỗi lo của “ông nội” về thằng Hành, thằng Bảo và hơn 20 đứa trẻ Làng Nủ
Thằng Hành là 1 trong số 22 trẻ em Làng Nủ còn sống sót sau trận lũ quét và sạt lở kinh hoàng tại Làng Nủ. Trong số 22 đứa trẻ ấy, đứa nào ông nội cũng nhớ hết, nhưng câu chuyện của thằng Hành khiến ông khắc khoải nhất. Bố của Hành mất sớm, 2 mẹ con dựa vào nhau để mà sống, ấy thế mà trận lũ lịch sử quét qua đã lấy đi người mẹ của em.
Hôm đầu tiên thầy nhận nuôi Hành làm cháu nội, thấy nó bảo không có điện thoại phải mượn của cô Hồng - Hiệu phó trường THPT số 1 Bảo Yên, thầy lại thương rồi vừa chuyển tiền sinh hoạt phí, vừa chuyển thêm 3 triệu để nhờ cô Hồng mua cho nó một chiếc để thỉnh thoảng ông cháu còn trò chuyện với nhau.
Còn Phúc và Bảo là 2 anh em trong một gia đình. Trận lũ kia cũng cướp đi bố mẹ của 2 em, giờ 2 em chỉ được nhìn thấy bố mẹ qua tấm ảnh phục chế.
Cả Hành, Phúc và Bảo giờ đây đều là cháu nội của thầy Khang.
Cho tiền thì dễ, nhưng để “nuôi” một người như cách ông nội Khang nhận “nuôi” các cháu khó hơn nhiều. Chữ “nuôi” không chỉ dừng lại ở việc cung cấp cơm ăn áo mặc, mà còn là sự vun vén từng giấc mơ, từng hy vọng cho những người mình yêu thương. Việc làm tròn trách nhiệm chữ “nuôi” khiến ông đau đáu lắm.
“Việc nuôi các con cực kỳ áp lực với tôi. Tôi lo lắng nhiều, không phải chuyện tiền bạc mà tôi lo chúng có học hành tử tế không? Chúng có thể đi vững trên đôi chân của mình hay không? Chúng sau này lớn lên trở thành một người thế nào? Chắc tôi sẽ phải lên đấy một chuyến để được ngửi thấy mùi mồ hôi của chúng, nhìn thấy ánh mắt của chúng, rồi ôm chúng vào lòng”.
“Tôi sẽ lên Làng Nủ!”