18 tuổi, nắm trong tay vị trí top 5 tay vợt pickleball thế giới, giành nhiều chiếc cúp danh giá, thậm chí còn có kỳ tích đánh bại những tay vợt hàng đầu.
18 tuổi, trở thành người nổi tiếng, thần tượng với những cú đánh bóng đặc trưng, được người hâm mộ đủ mọi lứa tuổi yêu mến.
Và đó là tuổi 18 của Quang Dương, “thần đồng pickleball” người Mỹ gốc Việt.
“Mình có tên Mỹ, hồi đi học hay thi đấu tennis, mọi người vẫn hay gọi mình là Avatar. Nhưng khi chuyển sang pickleball, bố đăng ký cho mình bằng tên Quang Dương, quốc tịch Việt Nam. Ban đầu cũng không ai quan tâm đến mình cả vì là một gương mặt quá mới. Rồi dần dần qua những trận đấu, mọi người nhớ đến nhiều hơn và gọi mình là Quang Dương luôn. Cảm xúc tự hào lắm, như một nét đặc trưng, thương hiệu riêng nên mình quyết định để tên Quang Dương trong mọi trận đấu”, đó là cách tay vợt pickleball trẻ giới thiệu cùng với niềm tự hào về nguồn gốc Việt Nam.
Chất Việt Nam của Quang Dương
Sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng Quang Dương có ba là người Cần Thơ, mẹ là người gốc TP.HCM nên anh chàng vẫn sở hữu nét Việt Nam không thể lẫn đi đâu được. Các cụ ngày xưa vẫn hay nói: “Quả táo không bao giờ rơi quá xa gốc cây”, thành thử ra, Quang Dương có lớn lên trong môi trường như nào thì có ba mẹ người Việt Nam, Quang Dương cũng dần dần hướng mình về Việt Nam.
Hồi nhỏ, Quang Dương chỉ thích ăn đồ Tây nhưng càng lớn, dòng máu Việt Nam trong cậu bạn ngày càng thể hiện rõ ràng. Đặc biệt là sau những lần được cùng gia đình về Việt Nam chơi, Quang Dương nhận ra tình yêu với quê hương, thôi thúc bản thân tìm hiểu thêm về văn hoá, về mọi thứ của Việt Nam. “Không sinh ra ở Việt Nam, nhưng càng lớn, tính cách và mọi thứ ở Quang Dương đều hướng hướng về Việt Nam”, ba của Quang Dương nói.
Trong đó, điều khiến ông bất ngờ nhất về con trai của mình chính là hành động bán vợt pickleball để quyên góp số tiền 250 triệu đồng gửi về Việt Nam, hỗ trợ các nạn nhân chịu ảnh hưởng do bão Yagi vào tháng 9 vừa qua. Với một chàng trai 18 tuổi, sống tại Mỹ thì quyết định này càng đặc biệt hơn cả.
“Ý định bắt đầu vào một buổi tối, sau khi trở về nhà và xem được một đoạn clip trên mạng quay cảnh tượng Hà Nội đang phải đối mặt với cơn bão lớn, gió thổi mạnh và mưa lớn. Trong clip đó, họ dùng nhạc nền bài Hello Việt Nam và có thể thấy rác trôi nổi, xe bus hay ô tô Mercedes đều ngập trong nước. Mình cảm nhận dù là ai, lúc đó cũng đều đang phải đối mặt với thiên tai. Đoạn clip đó rất cảm động, đặc biệt là hình ảnh ô tô che chắn cho những chiếc xe máy di chuyển qua cầu. Sau khoảnh khắc xem được đoạn video, mình đã quyết định mình phải làm gì đó để giúp đỡ mọi người, đặc biệt là khi những cô chú anh chị tại Việt Nam luôn chào đón và coi mình như thành viên gia đình họ”, tay vợt trẻ nói.
Nói thêm về quyết định này của con trai, chú Đức bất chợt rơi nước mắt, giọng nghẹn lại vì xúc động, xen lẫn với tự hào: “Tôi không nghĩ con lại có những cảm nhận sâu sắc và suy nghĩ lớn như vậy. Tôi thấy điều này còn hãnh diện cả khi nhìn thấy con chiến thắng. Vì thấy con còn nhỏ nhưng đã biết giúp đỡ mọi người còn việc chiến thắng thì là con được huấn luyện nên buộc phải cố gắng là đương nhiên.
Ban đầu con cũng có hỏi tôi về việc mở tài khoản quyên góp nhưng tôi có hướng dẫn con rằng mình tự tìm cách làm, còn lại chỉ kêu gọi và lan tỏa những hành động tích cực đến mọi người. Mới đây nhất, con cũng đã đấu giá được 2 chiếc vợt với giá 510 triệu đồng để ủng hộ vào quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam. Tôi thật sự tự hào vì những điều này”.
Có ba mẹ là người Việt nên trong cuộc sống thường ngày, Quang Dương được dạy theo những quan niệm vô cùng thuần Việt. Có một khoảng thời gian, gia đình Quang Dương 6 tháng ở Mỹ, 6 tháng về Việt Nam để đi chơi, thăm thú như một thói quen. Ba của Quang Dương cũng cho hay, dù ông sang Mỹ từ thời niên thiếu, khi trở lại quê hương cũng không còn họ hàng thân thích nhưng ông luôn biết đó là “cái nôi”, “cái gốc” của mình và muốn các con cũng phải biết, phải nhớ và tôn trọng điều đó.
“Việt Nam là quê hương của tôi. Với con cũng vậy, tôi luôn muốn con về Việt Nam. Ở nhà, lúc nào tôi cũng nói về Việt Nam với các con. Để các con hiểu và tự do quyết định, bày tỏ tình yêu. Như Quang Dương hiện tại, phải tới 90% con tự tìm hiểu và hướng về Việt Nam. Các cụ nói rồi, cha mẹ giống nào con giống đó, không thay đổi được đâu. Nên dù về Việt Nam không còn ai thân thích nhưng tôi luôn cảm nhận được đây là gốc gác của mình.
Ở bên Mỹ, nếu cha mẹ hướng dẫn đúng, người nước ngoài họ cũng phải nể phục. Mình người Việt nói tiếng Anh như gió chưa chắc họ đã nể phục mà phải nói được tiếng Việt, giữ được nguồn gốc là họ nể. Nhưng tôi không có thời gian để luyện mà tiếng Việt là thứ tiếng nói căn bản ở nhà. Quang Dương thì nhờ pickleball, chat với nhiều người Việt trên mạng nên con đã bắt đầu viết, đánh máy được tiếng Việt. Ngoài ra, việc gặp gỡ, giao lưu với người Việt khiến con tự nhận thức ra được, thay đổi ngày càng rõ rệt hơn và tự muốn trở về Việt Nam để cống hiến”.
Quang Dương cũng khẳng định dù nổi tiếng hay không thì từ nhỏ, anh chàng đã luôn hướng về Việt Nam và tình yêu dành cho quê hương luôn không thay đổi.
“Mình sinh ra ở Mỹ nhưng vẫn thường xuyên về thăm Việt Nam nên cảm nhận Việt Nam rất rõ. Ở Mỹ, mình cũng thường xuyên nói tiếng Việt với bố mẹ khi ở nhà. Gia đình cũng đón các ngày lễ truyền thống của Việt Nam như Tết. Giờ mình vẫn được nhận lì xì từ bố mẹ và điều đó thực sự rất vui. Mình rất thích phở, bún bò Huế, mì vịt tiềm. Mẹ mình nấu phở rất ngon, hay bò cuốn lá lốt mẹ cũng hay nấu cho cả nhà.
Mọi người nhìn mình có thấy mình Việt Nam chuẩn không? Nhưng chắc khi biết mình nói được tiếng Việt, mọi người mới nhận ra mình gốc Việt nhiều hơn. Mình vẫn đang tìm hiểu thêm về văn hóa qua những lần về Việt Nam và đi du lịch mỗi nơi. Sau mỗi lần, mình luôn tự hào kể rằng người dân Việt Nam đều rất thân thiện, quan tâm đến mọi người. Mình gặp rất nhiều người, dù họ không hề biết mình hoặc chỉ gặp lần đầu nhưng cũng đã đối xử tốt như người nhà”, Quang Dương thích thú, nói không ngừng khi được hỏi về quê hương.
Không chỉ màu da, giọng nói hay thói quen, điều khẳng định Quang Dương rất Việt Nam đến từ chính cái tên của VĐV nổi tiếng. Dù thi đấu quốc tế, tay vợt pickleball trẻ này vẫn dõng dạc điền tên tiếng Việt - Quang Dương để đăng ký và dĩ nhiên rồi, người nước ngoài sẽ phải đọc tên của mình.
Quang Dương hay đầy đủ hơn là Dương Thiên Quang, cái tên được đặt với ý nghĩa: “Ánh sáng trên thiên đàng, lan tỏa và chiếu rọi khắp mọi nơi những điều tốt đẹp”.
Quyết định để tên Quang Dương khi chuyển sang pickleball một phần đến từ ba, một phần cũng là sự tự hào của chính cậu: “Mình có tên Mỹ, hồi đi học hay thi đấu tennis, mọi người vẫn hay gọi mình là Avatar. Nhưng khi chuyển sang pickleball, bố đăng ký cho mình bằng tên Quang Dương. Ban đầu cũng không ai quan tâm đến mình cả vì là một gương mặt quá mới. Rồi dần dần qua những trận đấu, mọi người nhớ đến nhiều hơn và gọi mình là Quang Dương luôn. Cảm xúc tự hào lắm, như một nét đặc trưng, thương hiệu riêng nên mình quyết định để là Quang Dương luôn”.
Bên cạnh đó, cũng chính nhờ cái tên đậm chất Việt Nam này mà anh chàng cho rằng thi đấu ở bất kỳ quốc gia nào, cũng có người Việt nói riêng hay người châu Á nói chung cổ vũ, hò reo. Hơn hết, cái tên này đã khiến người hâm mộ nói thay cho tay vợt trẻ thông điệp: “Việt Nam tôi đó” hay “Anh bạn người Việt Nam này tuyệt quá”.
Ở tuổi 18, vẫn còn quá sớm để Quang Dương có thể khẳng định chắc nịch về những điều to lớn mà bản thân có thể cống hiến cho quê hương. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, Quang Dương biết rằng những gì mình đang làm đã trở thành động lực cho những bạn trẻ hơn, đặc biệt là những bạn trẻ ở Việt Nam.
“Đối với mình, nguồn cảm hứng giống như ngọn nến trong căn phòng tối. Ngọn nến dù nhỏ nhoi, nhưng thắp sáng mọi ngách và rồi khiến cả căn phòng bừng sáng sáng lên. Nó giống như việc mình là người truyền cảm hứng cho 1 đứa trẻ và rồi đứa trẻ ấy đi theo đam mê, trở thành vận động viên còn giỏi hơn mình, đạt được nhiều thành tích hơn mình rồi lại tiếp tục nhân rộng ngọn lửa ấy. Điều đó thật tuyệt vời. Mình sẽ rất hãnh diện khi góp phần truyền động lực cho các bạn tại Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp nhất. Sẽ có một ngày, thế hệ trẻ vươn mình mạnh mẽ hơn nữa và đạt được vô vàn những thành công to lớn”.