Đang tải trang

WeChoice Awards 2024 kể những câu chuyện thật đẹp về tinh thần của người Việt Nam, về sự sáng tạo, cá tính, về những phẩm chất tươi sáng mà mỗi người Việt mang trong mình.

Nhân vật truyền cảm hứng
Nghệ sĩ SOOBIN
WCA 24 VIỆT NAM TÔI ĐÓ
SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn
Không có thành công nào là tự nhiên, không có tài năng nào là trời phú. Với SOOBIN, nghệ thuật đã sớm chảy từ trong máu, còn tài năng thì được nuôi dưỡng và rèn giũa qua thời gian. Hiện tại, SOOBIN đang ở độ chín nhất của bản thân, đứng giữa hào quang tươi sáng nhất của sự nghiệp, hưởng lấy trái ngọt sau hơn 10 năm hoạt động trong showbiz.
LƯỢT BÌNH CHỌN
  • Bạn có thể bình chọn sau mỗi 1h
SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 1.

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 3.

I. Từ bố của SOOBIN

Hồi ấy SOOBIN còn nhỏ lắm, chừng 11 - 12 tuổi. Cứ đêm mỗi lần đi diễn ở Ô Chợ Dừa, là bố đánh trống còn hai chị em cứ ngồi đó ngủ. Gần đó có hàng bán táo tàu, SOOBIN cứ cấu từng quả táo tàu, có hôm tôi chỉ biết hỏi người bán hàng có bán nửa quả hay không để mua cho con, nhà khi ấy vẫn còn nghèo.

Vô tình có một ngày các cô các chú tới tập nhạc cùng với bố, thế nào mà SOOBIN lại chỉ thích nghịch chiếc đàn bầu. Đó là chiếc đàn bầu của chú Hoàng Anh Tú. Cho con thử chơi một tí, thì cu cậu “ngoặm” ngon luôn. Đánh nhanh tới nỗi mà tôi giật mình. Có những thao tác mà mình thấy rằng con đúng là có lợi thế về tai, nghe và cảm nhạc rất tốt, còn đánh được đàn cả 2 tay, tay phải lẫn tay trái. SOOBIN học rất nhanh, có một tuần là đi diễn được luôn. Kiếm được tiền nên cậu háo hức lắm, thích có tiền để đi mua truyện. SOOBIN rất mê đọc truyện, nên có lẽ cậu viết nhạc viết lời sâu sắc cũng nhờ việc đọc sách truyện nhiều.

SOOBIN với cây đàn bầu giống như là một mối duyên vậy. Trong tất cả các loại nhạc cụ thì con lại thích đàn bầu nhất, nên tôi hướng luôn cho con. Mới đầu tưởng cho con học chơi thôi, nhưng rồi được nhiều lời mời quá, nên gia đình mới đầu tư hết mình. Mặc dù tôi không chuyên đàn bầu, nhưng cũng biết đánh và có khả năng sư phạm nên trực tiếp dạy cho con.

Có hôm khách đến nhà chơi Tết, SOOBIN lại gần nói nhỏ với bố, bảo bố cho con đánh 1 bài. Thế là tôi hào hứng “Ôi cháu SOOBIN muốn biểu diễn đàn bầu dành tặng cho các bác dịp năm mới”. Đánh xong 1 bài, các bác… không hào hứng lắm, ai cũng vội đi sang nhà khác nhưng cậu lại ra nói khẽ “bố cho con đánh bài nữa”. Cuối cùng thì cu cậu đánh 6 bài. Đánh đến bài 3 thấy mọi người không hào hứng lắm là đánh sang bài 4 bài 5 luôn. Cuối cùng là đánh đến bài 6. Xong bố phải bảo thôi cho các bác đi chúc Tết, lần sau mời các bác đến nhà xem con chơi đàn sau. Thế là cậu ý dỗi, cậu đi vào phòng trùm chăn kín mít, không nói chuyện với ai cả.

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 1.

SOOBIN từng được giải xuất sắc công cua ở Nhạc viện về đàn bầu, do Cục Âm nhạc và Múa trao tặng. Giải công cua rất khó, khó hơn so với các liên hoan khác vì mỗi thí sinh mỗi thể loại là phải đánh 1 bài khác nhau, tiêu chuẩn rất cao. Trước ngày thi chỉ còn 2 ngày mà BTC bắt đổi bài, anh ý kiệt quệ sức khỏe quá nhưng cũng không biết phải làm thế nào vì đấy là yêu cầu của BTC, thế là cũng phải “nhồi” thôi. Xong cậu khóc, đánh xong máu phồng rộp lên, nước chảy ra, bỏng rát rất đau. Thế rồi SOOBIN đánh cực xuất sắc, nhưng vì không học ở Nhạc viện ngày nào, nên cuối cùng cậu không được giải Nhất, mà BTC quyết định trao thêm cho cậu 1 giải đặc biệt. Khi SOOBIN thi xong Chung kết, tôi có viết cho con một tác phẩm đàn bầu tên là “Nỗi Niềm Trong Câu Hát Ru”, phát triển từ câu hát “gió mùa thu, mẹ ru con ngủ…”. Tôi viết cho SOOBIN là con chơi rất thoải mái, đánh “khủng khiếp” luôn vì trời phú cho con khả năng chơi đàn bằng cả hai tay. SOOBIN đánh đàn bầu như chơi, học không hề vất vả. Sau cuộc thi ấy, nhiều thầy cô ở Nhạc viện cũng muốn con theo học Đại học chuyên ngành đàn bầu. Nhưng 2 bố con cảm thấy con đã đánh được cả những tác phẩm khó rồi, giờ còn gì mà học nữa, thế nên mới cho con học piano, vì dù sao đó cũng là một chìa khóa để đi theo con đường âm nhạc. Tuy nhiên SOOBIN cũng không học đến cuối cùng, chỉ học đến Trung cấp rồi bỏ không học tiếp, đi theo con đường ca hát rồi làm nghề luôn.

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 2.

SOOBIN từ nhỏ đã biết kiếm tiền từ 2 thứ, một là nhảy, hai là đánh đàn. Cậu ấy rất "nghiện" Michael Jackson. Có những lần tôi đi diễn ở nước ngoài, mua bao nhiêu là mũ phớt, rồi về nhờ mấy ông bạn thiết kế thêm cái áo da y xì, SOOBIN mặc vào nhìn y như là Michael. Cả một album của Michael Jackson, mỗi bài có một phiên bản nhảy riêng, SOOBIN đều thuộc nhuần nhuyễn từng tí một. Mới đầu chỉ cho SOOBIN nhảy theo đam mê thôi, nhưng dần dần nhiều người mời đi diễn, kể cả đám cưới, sinh nhật, hội hè… Con đi diễn là bố chuẩn bị cho con từ A đến Z. Có những hôm SOOBIN diễn mà khán giả không hồ hởi lắm, không phải vì SOOBIN diễn không hay mà vì hôm đó trời chuẩn bị mưa giông… Mà SOOBIN bao giờ cũng ở vị trí kết thúc chương trình, người ta bỏ về gần hết rồi mới đến lượt cậu. Các cô các bác cứ để SOOBIN diễn ở cuối để còn "giữ khách" nhưng hôm đấy lại xảy ra như vậy. Thế là tôi phải nói "thôi để bố đền cho con 1 con sugoku". Cậu thì tưởng rằng diễn cuối sẽ có pháo hoa các thứ, thành ra buồn quá.

Trong SOOBIN có rất nhiều đức tính hay. SOOBIN rất chiều bạn, chiều mọi người. Cậu ấy là con người luôn thèm chinh phục, nên là muốn chinh phục được thì phải chiều thôi. Cho nên khi chơi cùng bạn bè, SOOBIN luôn là người đứng lùi về phía sau để nhường cho bạn bè mình. Trong Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai cũng thế, SOOBIN có thể ở vị trí phối khí, dàn dựng, sáng tác, nghĩ làm sao để khai thác hết được những người đồng nghiệp của mình, ai giỏi cái gì và sở trường là gì. Chỉ có cái nào là sở trường của bản thân, hoặc là người khác làm không tốt bằng SOOBIN thì cậu ấy mới nhận. Đặc biệt là phụ nữ, thì SOOBIN còn chiều kinh khủng. SOOBIN rất thèm chinh phục, không muốn chịu thua kém ai nhưng tính tình lại chiều người, lụy người, nên thâm tâm cũng "giằng xé" lắm. Những tố chất này là ngay từ bé tôi đã muốn truyền cho con. Các học sinh của tôi đi thi ai cũng có giải, người nào cũng 3 - 4 huy chương Vàng… Tôi là người ở trong thế giới văn hóa nghệ thuật dân gian đương đại, để lại nhiều dấu ấn cho các nghệ sĩ tên tuổi, thì đối với tôi, SOOBIN là hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của bố. 2 bố con cứ cùng nhau đi diễn cả 1 thuở thiếu thời. Kỳ vọng nhiều vào con nên khi ấy tôi chưa bao giờ bỏ một buổi diễn nào của SOOBIN, kể cả có tiền hay không có tiền. Cố gắng bồi đắp cho con hình thành cá tính nghệ sĩ, có chút cay cú, có chút chiến lược các kiểu. Cái gì không cho nhưng riêng đàn, quần áo, các thứ về nghệ thuật là làm chi tiết, nắn nót.

Tôi rất bất ngờ khi thấy SOOBIN tham gia Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Hai bố con vẫn thường nói chuyện với nhau, rằng con mong có album riêng, concert riêng của mình. Đùng một cái, con gọi điện bảo tham gia Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, rồi bảo bố tư vấn cho một vài người để thể hiện các tiết mục mang hướng dân gian đương đại. Hồi đầu cũng chỉ nghĩ là một show bình thường thôi, nhưng càng vào tới các vòng sau lại càng háo hức, cho tới giờ dư âm vẫn còn rất mạnh. Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai mang một ý nghĩa sâu rộng, học thuật về thể hiện hồn cốt dân tộc. Không chỉ chiếm được tình cảm của mọi thế hệ từ trẻ đến già, mà còn đầu tư mang tầm cỡ của những sân khấu quốc tế. Trước đây tôi đã suy nghĩ rất nhiều là có thể làm được những điều tầm cỡ như thế trong lĩnh vực nghệ thuật hay không? Chúng ta từng có rất nhiều công trình tầm cỡ trong các lĩnh vực khác, nhưng giờ mới là lúc nghệ thuật dậy sóng. Đây là bằng chứng để khẳng định Việt Nam của chúng ta đã thay đổi một cách "kinh khủng" tới nhường nào. Các lứa trẻ tư duy ngày càng tốt. Tôi vẫn thường nói với SOOBIN, trong âm nhạc phải chọn một con đường bền vững, dài hơi. Nếu con muốn sống trọn trong trái tim người nghe, con hãy tìm đến những điều đơn giản và mang yếu tố hồn cốt dân tộc. Những câu ru, những câu đồng dao, nó vẫn duy trì suốt đời, vấn đề là con làm thế nào để nó phù hợp với nhịp sống hiện đại bây giờ.

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 3.

Khi SOOBIN chọn tiết mục Mẹ Yêu Con, tôi có hỏi vì sao con lại chọn bài đó. SOOBIN nói “con không nghĩ quá sâu, nhưng trước tiên con nghĩ về mẹ”. Với SOOBIN, mẹ là một điều vô cùng thiêng liêng.

Nhìn SOOBIN là tôi chảy nước mắt. SOOBIN thiệt thòi hơn những bạn cùng lứa nhiều. SOOBIN đã có những lúc phải tự quyết hết tất cả mọi thứ khi tôi và mẹ SOOBIN có những chuyện không thể gần nhau được. Gần đây, SOOBIN mới cởi mở hơn với tôi về chuyện đó, còn thời gian trước, nó như 1 cục mụn trong người cậu ấy. Vì SOOBIN rất thương mẹ. Đặc biệt khi mẹ không chịu đi bước nữa, chấp nhận sự thiệt thòi để dành trọn cho con. Có một khoảng thời gian SOOBIN bị ảnh hưởng, sa sút nhiều một phần cũng vì tôi và gia đình. Cuối cùng thì mọi thứ giống như là trời cho. SOOBIN đã xây dựng được con đường sự nghiệp rất ổn. Và đặc biệt có một đời tư rất sạch. So với các ngôi sao thế hệ bây giờ, SOOBIN “trắng tinh” luôn. Chẳng cần con phải nổi tiếng đâu, SOOBIN thế này là tôi đã quá mãn nguyện rồi.

Tôi chẳng có gì, tài sản của tôi chỉ có SOOBIN thôi. Một điều tôi càng mãn nguyện đó là trong thời gian gần đây, SOOBIN đã dần hiểu chuyện, có tư duy sâu - rộng đúng nghĩa theo cá nhân tôi, theo định nghĩa về thế giới âm nhạc của tôi. SOOBIN bắt đầu nghĩ đến truyền thống, muốn đưa những yếu tố văn hóa truyền thông vào trong âm nhạc hiện đại. Hồn cốt Việt Nam được trân trọng và vang lên ở nhiều chương trình dành cho giới trẻ. Đó là điều tôi vinh dự và tự hào nhất. Những nhạc cụ dân tộc, âm hưởng dân gian, những giai điệu ru con hò ơ… nếu được vang lên một cách thường xuyên thì đâu đó sẽ tô thêm những nét vẽ rất đẹp vào dáng vọng của một đất nước. Gần đây, ngoài việc sáng tác, hát nhảy hay lồng ghép những yếu tố truyền thống ra thì SOOBIN còn update thêm đánh trống, chơi guitar, làm cái nào ra cái đấy, tôi rất tự hào. 

Tôi chẳng có gì, tài sản của tôi chỉ có SOOBIN thôi.


SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 4.

 

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 8.

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 10.

II. Từ tiếng nói bên trong của tôi

Máu nghệ thuật chảy trong người SOOBIN, chắc chắn là thừa hưởng từ bố.

Mỗi lần nhìn ông mặc một chiếc áo may ô, cứ ngồi co chân lên ghế. Từ phòng tôi nhìn qua căn phòng của bố mẹ, tiếng nhạc lúc nào cũng vang vọng. Không biết đã bao đêm tôi thấy ông làm nhạc thâu đêm suốt sáng. Khi nhìn bố chơi nhạc, tôi rất thích, cứ lân la hỏi bố. Tôi nói với bố rằng, sau này sẽ là một người làm nhạc giống bố. Cách ông tạo ra một tác phẩm, chính là cách tôi được thừa hưởng sau này.

Ngày xưa, tôi rất thích nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đưa nhạc cụ dân gian vào nhạc trẻ. Sau mấy chục năm kể từ khi tôi suy nghĩ về việc ấy, tới giờ tôi mới làm được. Hồi học cấp 2, khi mang cây đàn bầu lên trường đánh, tôi thấy mình như một sinh vật lạ. Tôi hơi xấu hổ với hình ảnh đó. Tới khi VTV đưa hình ảnh đàn bầu của tôi lên và hot trở lại, tôi mới suy nghĩ, liệu đây có phải thời điểm thích hợp để đưa hình ảnh đó lên lại chưa? Thế rồi Trống Cơm là thử nghiệm đầu tiên, và sau đó là tiết mục Ngồi Tựa Mạn Thuyền. Tới Y-Fest, khi đưa chiếc đàn bầu lên sân khấu trước hàng chục nghìn người, tôi cảm thấy việc đưa một di sản văn hóa của dân tộc thật đáng tự hào. Và chắc chắn bố tôi cũng rất tự hào, vì ông sẽ không thể ngờ được SOOBIN sẽ đưa cây đàn bầu trở lại, nhất là khi chứng kiến chặng đường âm nhạc của mình.

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 1.

Tôi rất thích biểu diễn, thích được người ta nhìn vào mình. Khi nghe những tiếng hò reo của khán giả dành cho mình, sẽ càng khiến tôi hưng phấn.

Tôi từng diễn rất nhiều sân khấu lớn nhỏ rồi. Ở mỗi sân khấu, chỉ cần bước lên, nhìn thấy khán giả hò reo ở phía dưới, tôi sẽ bộc phát hết tất cả cảm xúc của mình. Có hôm, tôi đã nói với quản lý là sẽ diễn giữ sức vì thời gian đó đang có lịch trình dày đặc. Nhưng khi bước lên sân khấu rồi mình lại không thể bớt sung được, lại cháy hết cỡ. Đó là cái máu của mình rồi. Lên sân khấu 50 hay 50.000 khán giả, SOOBIN sẽ vẫn diễn như vậy.

Nếu là một người trong đám đông khán giả, SOOBIN sẽ lo lắng và khó hòa vào đám đông. Nhưng ở trên sân khấu, khán giả càng đông SOOBIN diễn càng sung.

Nhưng cũng có những sân khấu, tôi cảm nhận được rằng, khán giả chỉ vỗ tay cho có. Có những lúc, tôi tủi thân vì sự chào đón của khán giả không như mình nghĩ. Tôi không hiểu vì sao tôi lại xuất hiện ở đó và tôi cảm thấy mình không được đón nhận một cách xứng đáng.

Nếu như không phải là mình, cũng rất nhiều nghệ sĩ ngoài kia đang phải trải qua cảm giác tương tự. Họ cống hiến, phục vụ khán giả, đương nhiên là vẫn nhận được tiền rồi. Nhưng họ cũng muốn được những tiếng vỗ tay, hò reo. Tại sao những siêu sao thì nhận được phản ứng “điên cuồng” từ khán giả, còn những nghệ sĩ nhỏ lại bị khán giả hờ hững? 

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 2.

Dạo gần đây, tôi nghe bài Duyên Kiếp Cầm Ca của anh Binz, đây là bài hát anh ấy khá trăn trở về những mặt đối lập của nghệ sĩ. Khi ở trên sân khấu bạn đầy ánh hào quang, nhưng ở bên ngoài liệu khán giả có còn tung hô mình nữa không? Khi mình ở đỉnh cao và khi hết thời, sự khác biệt sẽ ra sao?

Ngành công nghiệp âm nhạc rộng lớn, không nhất thiết mình cứ phải làm ca sĩ mới là làm nhạc. Không đi hát thì làm sản xuất, mix master, music director… Có rất nhiều thứ mình có thể làm nếu không đi hát nữa. Sẽ rất khó để SOOBIN theo một ngành khác nếu không phải nghệ thuật. Tôi nghĩ, cống hiến cho nghệ thuật không bao giờ là đủ. Kể cả sau này già, khổ, tôi vẫn sẽ cống hiến cho âm nhạc. Có nhiều người rất thích làm nhạc nhưng cơ hội tiếp xúc với môi trường âm nhạc quá ít. Còn hiện tại, tôi đang được sống trong môi trường chỉ toàn âm nhạc, nên lúc nào cũng có cảm hứng âm nhạc. Nếu không tự làm nhạc, tôi sẽ kết hợp với các anh em. Nếu không làm nghệ thuật, tôi cũng không biết mình sẽ làm gì. Nhờ có âm nhạc, nghệ thuật, SOOBIN trở thành một người tốt hơn, có sự nghiệp, những mối quan hệ như bây giờ.


Nếu không làm nghệ thuật, tôi cũng không biết mình sẽ làm gì.


Hiện tại, tôi cảm thấy mọi thứ đang đến rất nhanh. Một cảm giác giống như cách đây 8 năm trước, sau khi tôi có bản hit đầu tiên - Phía Sau Một Cô Gái. Trong vòng mấy tháng, mọi thứ đến với tôi rất nhanh. Tôi không bỡ ngỡ vì đã từng trải qua cảm giác ấy rồi.

Tôi đang tận hưởng cảm giác ấy nhiều hơn, và tôi nghĩ mình còn có một trọng trách lớn hơn ngày xưa. Giờ SOOBIN đang ở độ chín trong sự nghiệp, nên mọi thứ đều phải tính toán kĩ. So với cách đây 4 năm trước, hướng đi của SOOBIN rõ ràng hơn rất nhiều. Những ý tưởng cũng đến liên tục với mình, đặc biệt là sau Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Những màu sắc mới đến với mình, không chỉ còn là những gì khán giả đã biết đến SOOBIN từ trước. Bây giờ những cái SOOBIN đưa ra đều sẽ khiến khán giả chờ đợi. Tôi muốn tập trung làm một điều gì đó, để cho các em nghệ sĩ Gen Z noi theo.

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 3.

Tôi rất muốn mang Việt Nam đi ra thị trường quốc tế. Nếu như có cơ hội, SOOBIN sẽ làm hết sức để mang tự hào về cho khán giả Việt Nam. Mong ước lớn nhất trong năm sau của SOOBIN là làm một concert riêng. Pháo hoa bay rợp trời, “thần đèn” xuất hiện. Điện thoại của SOOBIN giờ toàn hình concert. Mọi người thường nhắc tới manifest, SOOBIN cũng liên tục nghĩ về điều đó. Nếu tôi làm được concert, thì nó chứng minh rằng bản thân SOOBIN xứng đáng với điều đó. Đó chính là nơi thể hiện rõ nhất cái tôi nghệ thuật của mình.

SOOBIN sẽ liên tục đặt mục tiêu để không rơi vào trạng thái buông lỏng bản thân. Đôi khi cũng sẽ có những điều tôi không thể nghĩ đến, nếu như tôi không làm. Mình phải hiểu cốt lõi của công việc, thì sẽ có cách để bản thân không bị cuốn theo vòng xoáy showbiz. SOOBIN không thích đặt mục tiêu xa - “Tôi sợ tính xa quá mà không biết lượng sức, khi ngã xuống thì không ai đỡ mình dậy”.

Tôi có nhiều anh em để tâm sự và cho lời khuyên. Có lúc tôi cũng nóng giận, bộc phát, nhưng cũng có nhiều người can ngăn, để mình làm những điều đúng đắn. Dần dần, tôi rèn được sự bình tĩnh, suy xét mọi chuyện kĩ càng. Rất lâu rồi SOOBIN không có phát ngôn gì về cuộc sống hay showbiz. SOOBIN chỉ muốn mang đến năng lượng vui vẻ, thoải mái, dù cho mình gặp những chuyện bất như ý. Tôi không muốn để tâm trạng của mình ảnh hưởng tới những người xung quanh.

Và SOOBIN cũng rất sợ ai nghĩ xấu về mình. Một tính cách rất trai Hà Nội. 


Tôi sợ tính xa quá mà không biết lượng sức, khi ngã xuống thì không ai đỡ mình dậy.


SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 4.

Tôi rất thích các fan gửi thư tay. Tôi sẽ lưu lại tất cả những lá thư đó trong một chiếc hòm, sau này khi con mình biết đọc, tôi sẽ cho con đọc để biết bố ngày xưa từng được mọi người yêu thương như thế nào, và tự hào về bố nó. Có một cô 60 tuổi gửi cho tôi một chiếc khăn thêu tay. Cô nói sau bài hát “Mẹ Yêu Con”, cô đã rất xúc động nên muốn gửi món quà này để SOOBIN biết rằng không chỉ có những bạn fan trẻ, mà cả những khán giả lớn tuổi như cô cũng dành tình cảm cho mình. Ngoài ra, có cả những em bé 3-4 tuổi, cả gia đình cũng đều yêu mến SOOBIN.

Ngày xưa, tôi thường có suy nghĩ khi làm nhạc sẽ có người khen người chê, đó là quy luật chung. Nhưng càng về sau, tôi càng cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ai ghét mình cũng được. Còn những người yêu thương, dù là qua những bài hát hay là qua con người, thì mình đều trân trọng. Tôi luôn ý thức rằng phải luôn giữ hình ảnh cá nhân trong mắt họ. Tôi nói với quản lí rằng “với họ, mình đang là một người có sức ảnh hưởng. Vì vậy, mình phải sống làm sao để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ”. SOOBIN mong rằng, khi các bạn trẻ theo đuổi một cái gì đó, hãy làm hết tâm, hết lòng với nó, thì sẽ nhận được kết quả xứng đáng.

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 15.

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 17.

III. Nếu một ngày SOOBIN làm chồng, làm cha

SOOBIN:

Những năm trước mẹ rất hay giục, cũng “khều” mình bằng cách gửi hình em bé. Nhưng tôi muốn tập trung vào công việc nên bảo “thôi mẹ đừng khều”. Thực ra chuyện lập gia đình cũng không phải cứ muốn là được đâu.

Không có gì hạnh phúc hơn việc mình được thấy phiên bản nhí của mình làm những điều giống mình ngày xưa. Anh Bằng Kiều có một cậu con trai tên Benly. Mình mê Benly lắm! Bé cũng rất đam mê nghệ thuật. Một người cha làm nghệ thuật, khi nhìn con cũng như mình thì sướng lắm, sẽ luôn tạo hết điều kiện để con mình làm nghệ thuật.

Còn với cá nhân mình, nếu con thích cái gì mình sẽ để con tự do. Còn nếu bé đam mê nghệ thuật thì… đây rồi! Cả một bầu trời âm nhạc, xung quanh “ông già” của nó cũng có rất nhiều “thứ dữ”: bác Tou, bác Binz, bác Rhym, toàn “hàng khủng”.

Bố SOOBIN:

Giục thì mẹ cậu giục lâu lắm rồi. Nhưng bố cũng ủng hộ cho sự nghiệp hơn. Bố chỉ hỏi là “dạo này có gì chưa, cho bố biết đi”. SOOBIN khẳng định là con chưa có gì, phải ngoài 35.

Bố SOOBIN nói nhỏ:

Chuyện này bác cũng đang tò mò. Rằng gu SOOBIN là người phụ nữ như thế nào. Nhưng đâu đó bác có thể hiểu là những người phải tầm tầm như mẹ SOOBIN là “ăn chặt” đó! Mẫu người phụ nữ chịu đựng một tí, sẵn sàng hi sinh cho chồng cho con, luôn luôn ở đằng sau, không cần nổi tiếng, không cần là ngôi sao. Một người thầm lặng, biết hi sinh và kiểu “mềm như lúa”, kiểu thế. 

SOOBIN: Từ cảm giác mình như “sinh vật lạ” đến chàng nghệ sĩ bên chiếc đàn bầu khiến hàng triệu người mê mẩn - Ảnh 1.

 

LƯỢT BÌNH CHỌN
  • Bạn có thể bình chọn sau mỗi 1h
Báo chí viết về đề cử