Tôi chợt nghĩ rằng ngay cả âm nhạc cũng đại diện cho con người của từng vùng đất. Theo anh, âm nhạc nào sẽ đại diện cho con người Việt Nam?
Việt Nam mình ngày xưa có hát xẩm, hát văn. Người hát xẩm chính là người kể chuyện dân gian bằng những giai điệu thân quen. Dù không có nhiều giai điệu, nhưng người hát xẩm vẫn có thể kể những câu chuyện quen thuộc.
"Mẹ kể từ khi mấy con nghe thời mẹ kể từ khi
Mới sinh con đã biết gì đau thương
Giặc đến thời chứ giày xéo quê hương"
Xẩm có cách kể chuyện gần gũi với ngôn từ đặc trưng, vậy nên cũng có thể coi là một thứ âm nhạc từ đường phố. Người hát xẩm là người góp nhặt những câu chuyện nhân gian, từ vua chúa, vua quan cho đến bác làm đồng và người lang thang. Bất cứ ai họ cũng đều kể được câu chuyện, và những câu chuyện ấy sẽ được kể ở những chốn đông người, nơi bến xe, bến tàu, thậm chí góc chợ,... từ đó ta có xẩm chợ, xẩm… tàu điện. Tôi nghĩ, đó là những nét văn hóa âm nhạc đặc trưng của người Việt Nam thời kỳ văn minh lúa nước.
Quay ngược lại quá khứ một chút, từ khi nào anh biết mình muốn theo đuổi nghệ thuật truyền thống?
Có lẽ điều đó đến với tôi một cách rất tự nhiên từ khi còn nhỏ. Từ khi mới 9 tháng cho tới năm 15 tuổi, tôi được ở với bà. Tôi vẫn hay đi theo một đoàn quan họ trong làng để chơi với đám trẻ con trong đoàn đó. Mà ngày ấy, đoàn chèo và đoàn quan họ luôn ở gần nhau. Tôi say sưa xem các cô chú tập luyện và vô thức thuộc hết những vai diễn từ cũ đến mới.
Câu chuyện thích hát, thích diễn bắt nguồn từ những ngày như vậy. Đến sau này, thấy tôi say mê, bố mẹ lại không muốn tôi theo đuổi nó vì cho rằng nghề này… bạc lắm. Tôi từng theo học Trung cấp Xây dựng vì dự định đi xuất khẩu lao động. Trong thời gian chờ người ta gọi đi, tôi lại theo học trường Trung cấp Văn hóa của tỉnh, rồi lại chuyển sang trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, và từ đó, mọi thứ cứ thế bắt đầu.
Cái bạc của nghề mà bố mẹ anh nhắc tới ở đây là…
Đó là thời còn cơ chế bao cấp, một chiếc xe đạp chia ra cho các đội diễn viên, đội hành chính, đội nhạc… để bốc. Người bốc được cái khung, người bốc được 2 cái lốp… vậy đến bao giờ người nghệ sĩ mới có một chiếc xe đạp hoàn thiện? Thời ấy, ai cũng phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ buôn rượu cho tới nuôi lợn, bắt cá, đi câu… tất cả cũng chỉ để thỏa mãn lòng yêu nghề. Cuộc sống rất vất vả nên các cụ nảy sinh tâm lý chán chường, từ đó mới có câu "xướng ca vô loài" để nói về người đi hát. Ngay cả ở thập niên 70-80 vẫn có những suy nghĩ như vậy, thế nên chuyện bố mẹ không muốn con cái theo nghiệp của mình cũng là điều dễ hiểu.
Có bao giờ, sự bạc ấy khiến anh bớt niềm tin vào nghề? Bớt yêu nghề?
Tôi có thể từng tự ti vì gặp một vài chuyện không hay trước đây, nhưng để nói là chán nghề thì chưa bao giờ chán. Hơn 25 năm theo nghề, tôi vẫn tìm tòi, sáng tạo và đau đáu với nghề.
Khi tốt nghiệp trường đại học SKĐA, tôi được bên Quân đội rất ưu ái và nhận về. Môi trường quân đội có những kỷ luật riêng, thế nên tôi lại càng không có tư tưởng đứng chỗ này nhìn chỗ kia. Có một chuyện rất buồn cười mà tôi cứ hỏi lại mẹ mình mãi, rằng có phải tôi thật sự sinh ngày 22/12 không? Mọi người quả quyết rằng tôi sinh đúng ngày đó, không thể khác được! Thế nên đúng là một cái duyên. Từ trước đến nay, tôi không có ngày sinh nhật bởi vì ngày đó, tôi dành hết để đi phục vụ các anh em, đồng chí trong quân ngũ. Thậm chí nếu có người chúc mừng cũng sẽ chúc mừng ngày 22/12 - ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tôi có thể từng tự ti vì gặp một vài chuyện không hay trước đây, nhưng để nói là chán nghề thì chưa bao giờ chán. Hơn 25 năm theo nghề, tôi vẫn tìm tòi, sáng tạo và đau đáu với nghề. Từ trước đến nay, tôi không có ngày sinh nhật bởi vì ngày đó, tôi dành hết để đi phục vụ các anh em, đồng chí trong quân ngũ. Thậm chí nếu có người chúc mừng cũng sẽ chúc mừng ngày 22/12 - ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Yêu nghề như vậy, hẳn vai diễn đầu tiên với anh rất đáng nhớ!
Điều hạnh phúc nhất trong đời của một người nghệ sĩ là được trải nghiệm rất nhiều vai diễn. Có người sinh ra cả đời chỉ được đóng vai đểu, còn có người lại chỉ có thể đóng vai chính. Mỗi người mỗi số phận và điều đó ứng vào các vai diễn là sự thật.
Để nói về vai diễn đầu tiên thì tôi là người trưởng thành từ việc cầm cờ chạy quanh sân khấu. Tôi chạy đến khi đạo diễn bảo rằng: "Thằng này chạy tốt quá! Cho chạy thêm lần nữa!", rồi lại chạy cho đến khi đạo diễn cho nói thì cũng được khen là nói hay và cho nói thêm lần nữa. Ý tôi ở đây là: Mọi thứ đều có cái giá của nó. Tất cả đều đi từ nhỏ đến to, từ nghèo đến giàu - từ đó ta mới tích lũy được đủ các cung bậc trải nghiệm.
Nhưng để nói về vai diễn chính đầu tiên mà tôi được giao sau khi ra trường thì đó là vai Khóa Còm trong vở Ông Trạng Xứ Đoài, Ông Lâu Trạng Lợn. Còn vai diễn chính đầu tiên có thành tích thì lại là vai Trịnh Sâm của vở diễn Chuyện Người Xưa. Với vai diễn đó, tôi nhận được huy chương vàng đầu tiên tại Hội diễn Chuyên nghiệp Toàn Quốc 2005.
Đây không chỉ là vở diễn mà người thầy của tôi là cố NSND Xuân Huyền làm đạo diễn, mà còn là chiếc huy chương vàng đầu tiên tại một cuộc thi toàn quốc. Tôi vinh dự lắm! Vai diễn này dù không phải thế mạnh của tôi, nhưng nó cho tôi thấy rằng khả năng của mình không chỉ bị giới hạn trong một thể loại. Trong chèo có đào, lão, mụ, kép, hề, chính, phụ… tôi vinh dự được trải nghiệm tất cả các thể loại đó và đều đạt được thành tích cao.
Đặc biệt trong chèo, gia tài của tôi có được là cơ hội thể hiện 2 nhân cách lớn trong kho tàng sân khấu Việt Nam: Thầy giáo Chu Văn An trong vở diễn Chu Văn An - Người Thầy Của Muôn Đời, và vai diễn một trong những đại tướng lừng lẫy của quân đội Việt Nam - Người Chủ Nhiệm Chính Trị đầu tiên của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Đối với tôi, đó không chỉ là hai vai diễn lớn mà còn là hai nhân cách lớn! Thầy Chu Văn An là một biểu tượng, còn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn còn gia đình với con trai là Đại tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam. Câu chuyện ở đây không chỉ còn là một hình mẫu nữa, mà là một hình mẫu vẫn còn sống trong trái tim người thân thuộc. Vậy nên, tôi càng không thể đưa vào vai diễn những tính chất chung chung mà buộc phải đặc biệt và chi tiết hơn.
Người thầy của tôi, cố NSND Doãn Hoàng Giang - có nói với tôi rằng: "Khi phân cho Long 2 vai này, Long phải nhớ một điều - tác phong, ăn nói, đi đứng từ cuộc sống trở đi là phải bớt đùa nghịch, bớt những thứ phù phiếm đi." Bản thân tôi cũng phải chín chắn, tập làm quen với hành xử để đạt được cái thần thái mà thầy mong muốn. Bởi diễn một nhân vật không chỉ là tái hiện lại hình tượng của nhân vật, mà còn phải toát được lên tầm vóc, nhân cách của họ - đó mới là điều khó. Niềm tự hào khi được nhận 2 vai diễn lớn này còn đến từ việc người thầy xét đến không chỉ tiến độ làm việc về thời gian, mà còn khả năng đảm nhận vai diễn của người được chọn. Người đạo diễn sẽ nhìn người, sắp xếp làm sao để lột tả được ý đồ mà các thầy muốn biểu đạt trên sân khấu - thông qua người diễn viên. Có thể đó là sự lựa chọn chính xác của các thầy, nhưng với tôi, đó là một sự may mắn.