Nghệ thuật thường bắt đầu với sự cô đơn.
Không phải là một lời khẳng định tuyệt đối, nhưng gần như, mọi nghệ sĩ đều bắt đầu việc sáng tạo của mình từ những ưu tư mà gần như họ không thể san sẻ với thế giới bên ngoài. Cảm giác cô quạnh, khác thường, bị tách biệt khỏi những luồng suy nghĩ của đám đông - là thứ dinh dưỡng nuôi lớn luồng cảm xúc mãnh liệt, tạo nên trí tưởng tượng trù phú, bồi đắp những thế giới quan độc đáo và nhấn mạnh cái tôi. Cho đến một ngày, khi tâm hồn không còn có thể làm bể chứa những khối cảm xúc khổng lồ cứ thế lớn dần, họ buộc phải để chúng tuôn trào qua hình hài của những tác phẩm.
Dù vui. Dù buồn. Dù lạc quan hay bi đát. Mỗi nghệ sĩ đều sẽ có một ngôn ngữ riêng để biểu đạt tâm hồn mình. Và nếu đủ may mắn, thứ nghệ thuật ấy sẽ chạm đến số đông và nhận về những tiếng vọng đồng cảm.
Với JustaTee, hành trình 20 năm với âm nhạc của anh cũng bắt đầu như thế, từ nỗi cô đơn và rất nhiều từ “không”.
I. Không có tiền
Năm 2004, lần đầu tiên, JustaTee tự mày mò cách sản xuất âm nhạc.
Vốn đam mê kỹ thuật và thích tìm hiểu về máy tính, nghiên cứu các phần mềm, JustaTee nhanh chóng làm quen và thành thạo các thiết bị. Ban đầu mọi thứ chỉ dừng lại ở một sở thích phục vụ cho bạn bè xung quanh. Thế nhưng nhanh chóng, JustaTee nhận ra mình thật sự đam mê việc tỉ mỉ chơi đùa, căn chỉnh với từng âm thanh để tạo ra những bản nhạc. Từ một công việc thuần túy kỹ thuật, Tee chuyển sang tập tành sáng tác và ca hát cũng chỉ để phục vụ cho niềm đam mê này.
Nhưng đam mê chưa chắc đã kiếm ra tiền. Ngày ấy, dù đã có một chút tiếng tăm trong cộng đồng underground khi tham gia rất nhiều bài hát - từ Click Click Boom cho đến sau này là Lady Killah.
Nhưng việc coi đây là một sự nghiệp nghiêm túc và ổn định để theo đuổi lâu dài lại là điều rất không nên.
Năm 2014, như mọi nghệ sĩ cùng lứa, Tee quyết định bỏ lại tất cả ngoài Hà Nội và… Nam tiến. Giấc mơ về việc sống với đam mê ở miền đất hứa đủ lấp lánh và mãnh liệt để khiến cho một thanh niên vốn rụt rè sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Dù vậy, không phải câu chuyện nào cũng dễ dàng như trên báo. JustaTee buộc phải trở lại Hà Nội không lâu sau đó vì… không trụ được.
Thất bại vào năm 2014 không khiến Tee buông bỏ mục tiêu Nam tiến của mình. Năm 2016, The Remix mang đến một cơ hội nữa. Lại là một chuyến đi với đầy hy vọng nhưng rồi tiếp tục bị dập tắt sau đó với cùng một lý do. “Không trụ được” - Tee nói. Thời điểm này, Tee bắt đầu nhận ra rằng mình không thể theo đuổi âm nhạc khi không có tiền. Thậm chí, anh đã chấp nhận rằng mình không thể sống được với nghề. Tee chuyển hướng sang kinh doanh và nếu bạn ở Hà Nội những năm 2010 - 2015, hẳn bạn đã từng ăn đồ Thái ở Chai Talay và uống trà sữa Aroi ở trước cổng trường Việt Đức. Đó là hai tiệm ăn/ uống cho giới trẻ nổi tiếng nhất nhì Hà Nội thời điểm đó, và đều có sự góp mặt của JustaTee trong đội ngũ “cổ đông”.
Và thế là MV huyền thoại Đã Lỡ Yêu Em Nhiều đã ra đời như vậy, trong sự nơm nớp lo sợ của cha đẻ rằng có thể sẽ thất bại và phải trở về Hà Nội thêm một lần nữa. Sau 2 tuần ra mắt, Đã Lỡ Yêu Em Nhiều gần như không sủi tăm. Chỉ đến tuần thứ 3 anh mới có thể thở phào nhẹ nhõm khi bài hát lọt vào Top Trending. Và kể từ sau đấy, mỗi lần trở về Hà Nội của JustaTee là chỉ để đi diễn hoặc thăm gia đình.
II. Không thể
Trên Rap Việt mùa 1, Binz từng nói rằng bất cứ bài hát nào có sự góp giọng của JustaTee trong phần hook đều là một sự may mắn.
Nhưng rất nhiều người từng không nghĩ vậy. Ngày mới bắt đầu sự nghiệp, JustaTee từng bị đánh giá là không thể hát một cách chuyên nghiệp vì giọng quá mỏng. Nghe vậy, Tee quyết định chuyển sang nghĩ cách để… bè, từ đó làm dày thêm sắc độ cho các câu hát của mình trong bài. “Ở nước ngoài cũng thế mà, nhiều người giọng mỏng sẽ tìm ra những cách để bù trừ cho những thiếu hụt của mình”. Cho đến bây giờ, chất giọng suôn mềm, nhẹ nhàng với những câu bè tinh tế và mượt mà đã trở thành dấu ấn đặc biệt của JustaTee trong làng nhạc, là thứ mà chỉ cần cất lên cũng đủ để đảm bảo sự thành công của một bản hit.
Không thể hát chuyên nghiệp không phải là thứ duy nhất mà người ta nói với JustaTee rằng anh không thể, không nên, không được.
Trong suốt những năm đầu tiên, hoặc thậm chí là khi đã yên vị trong Sài Gòn để gây dựng sự nghiệp, âm nhạc của JustaTee luôn bị đánh giá là kén người nghe, không phù hợp với thị hiếu đại chúng và (lại) không trụ được lâu. Với thị trường âm nhạc chuộng ballad và những bản nhạc dance pop sôi động của Việt Nam lúc bấy giờ, việc một nghệ sĩ underground, nhỏ bé, rụt rè, lại vừa hát nhạc Rn’B là điều nghe đã thấy… flop.
Bằng một cách nào đấy, những bài hát của JustaTee - dù không đi theo công thức chung của thị trường - nhưng vẫn có được sức sống và chỗ đứng cho riêng nó trong làng nhạc. Đã Lỡ Yêu Em Nhiều và Thằng Điên là hai sản phẩm đánh dấu sự độc nhất vô nhị của JustaTee trên thị trường, khi thổi một làn gió dìu dặt, lãng mạn và đầy chất thơ vào bầu khí quyển Vpop vốn đang bão hòa với những bản ballad buồn tan nát. Kể từ sau đó, nhắc đến JustaTee là nhắc đến thứ âm nhạc hiện đại và đi trước thị hiếu. Dù có thể không tạo ra một cú nổ lớn khi ra mắt, nhưng chắc chắn, và bất cứ thời điểm nào, bất cứ giai đoạn nào - bạn cũng có thể quay lại nghe mà không thấy lỗi thời.
Nhảy vọt thời gian đến Rap Việt mùa 3, khi JustaTee quyết định nhận lời trở thành Giám đốc Âm nhạc của Rap Việt. Sự ra đi của SpaceSpeakers để lại một chỗ trống khó lấp đầy và tạo ra một áp lực khủng khiếp tới bất cứ người đến sau nào. Mùa Rap Việt đó thậm chí còn được tiên đoán sẽ trở thành một cú flop, bởi gần như không chương trình truyền hình giải trí nào tại Việt Nam có thể duy trì sức hút qua mùa thứ 2. “Không thể hot nổi” - là điều mà người ta nói đi nói lại khi chương trình công bố casting thí sinh. Chỉ cho đến lúc Người Miền Núi Chất, Từ A-Z hay Từ Chối Hiểu thống trị Top Trending và tạo ra những xu hướng mới trên khắp mạng xã hội, người ta mới phải công nhận rằng Rap Việt đã thực sự vượt qua được “lời nguyền gameshow”, và thậm chí còn tạo nên những dấu ấn riêng của mình với dàn thí sinh đến bây giờ vẫn đang khuynh đảo Vpop như Rhyder, Pháp Kiều…
Sau Rap Việt mùa 3, JustaTee bắt đầu một hành trình mới mẻ với vai trò Giám đốc âm nhạc. Người ta thường nghĩ rằng để đứng ở vị trí Giám đốc âm nhạc đòi hỏi một người phải có đủ sự hiểu biết về âm nhạc, có kiến thức sâu rộng và đóng góp rất nhiều cho thị trường. “Chắc chắn không phải kiểu người như tôi” - Tee vừa nói vừa đưa tay lên xoa mái đầu nay đã rất thưa thớt… tóc.
Với Rap Việt, JustaTee được vùng vẫy trong thế mạnh của mình là hiphop, nhưng Anh Trai Say Hi lại là câu chuyện của âm nhạc đại chúng, của nhiều dòng nhạc khác nhau. Đó cũngi là thử thách tiếp theo mà anh đón nhận. Có thể nói, đó là một thử thách ở một đẳng cấp khác. Với 30 anh trai cùng đủ màu sắc âm nhạc khác nhau, và áp lực khủng khiếp từ guồng sản xuất nhạc mới gần như là mỗi tuần - việc sản xuất được đủ bài hát của từng tập là một khối lượng công việc khổng lồ. Sau 4 tháng, Anh Trai Say Hi trở thành một trong những chương trình có độ nhận diện cao nhất năm 2024. Nhưng bỏ qua những thành tích về mặt chương trình, nếu chỉ nói về âm nhạc, đã có thời điểm Top 10 Trending của Youtube gần như thuộc về các bài hát đến từ Anh Trai Say Hi. Theo số liệu từ nhà sản xuất, lượt xem Anh Trai Say Hi đã chạm mốc 5 tỷ - một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử các show âm nhạc tại Việt Nam. Mà đó là chúng ta còn chưa nói đến 4 concerts được tổ chức tại cả Hà Nội lẫn Sài Gòn, đi kèm theo một thông báo về concert thứ 5 sẽ được tổ chức trong tương lai gần.
Những thành tích mà rất có lẽ, chính cả những người trong cuộc cũng đôi lần từng nghĩ rằng mình “không thể”.