Để chuẩn bị cho một cuộc thi khắc nghiệt như Marathon des Sables hay The Deca Ultra Triathlon, Thanh đã rèn luyện như thế nào, đặc biệt trong điều kiện thiếu thốn vừa đòi hỏi sức bền và ý chí phi thường?
Thanh Vũ: Lúc mới bắt đầu, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì với các cuộc thi siêu bền như thế này. Tôi khởi đầu bằng những buổi chạy ngắn trong công viên, sau đó từ từ tăng cường độ và thời gian tập luyện. Nhưng điều quan trọng nhất chính là rèn luyện ý chí. Tôi cố gắng tái tạo điều kiện khắc nghiệt để cơ thể và tinh thần quen với thử thách, như tập ngủ trên sàn nhà hay giảm khẩu phần ăn để thích nghi với việc thiếu thốn. Những trải nghiệm đó tuy khó khăn nhưng lại giúp tôi xây dựng một nền tảng thể chất và tinh thần vững vàng để chinh phục sa mạc khắc nghiệt.
Bất kỳ chặng đua nào Thanh tham gia đều yêu cầu rất nhiều sự chuẩn bị cả về thể lực lẫn tinh thần, vậy thì Thanh có thể chia sẻ một kỹ năng đặc biệt nào mà bạn đã học được trong quá trình luyện tập?
Thanh Vũ: Điều quan trọng nhất tôi học được chính là khả năng thích nghi. Chẳng hạn, tôi đã tập làm quen với việc ngủ trong điều kiện thiếu thốn, hay cách xử lý cơn khát giữa môi trường khô cằn. Kỹ năng này không chỉ giúp tôi trên đường chạy mà còn trong cuộc sống hàng ngày khi đối mặt với những tình huống bất ngờ.
À, cuộc thi chạy trong tuyết gần đây là một trong những thử thách khó khăn nhất tôi từng đối mặt. Tôi phải tự kéo theo một chiếc xe chứa toàn bộ đồ dùng cần thiết, tự nấu tan tuyết để lấy nước, và đôi khi không gặp ai trên đường suốt hàng chục cây số. Điều kiện khắc nghiệt, như bị ngập trong tuyết hoặc nhiệt độ thay đổi đột ngột, khiến tôi phải thật cẩn trọng trong từng bước đi. Ngày đầu tiên, tôi bị sụp xuống hố tuyết và ướt hết tất, điều cực kỳ nguy hiểm trong môi trường lạnh. Dù khởi đầu khá chậm chạp và lúng túng, tôi dần thích nghi và căn chỉnh sức lực phù hợp. Cuối cùng, tôi hoàn thành cự ly 500km trong 10 ngày, một trải nghiệm dạy tôi rất nhiều về sự kiên nhẫn, khả năng thích nghi, và cảm giác khiêm tốn trước những người đi trước, những người ở độ tuổi 50-60 vẫn khỏe mạnh vượt qua những thử thách tưởng như không thể.
Có khi nào Thanh cảm thấy cô đơn trên những cung đường khắc nghiệt như Marathon des Sables hay 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới, gồm: Sahara, Gobi, Atacama, Nam Cực?
Thanh Vũ: Chắc chắn rồi, cô đơn là một phần không thể thiếu trong những thử thách như vậy. Nhưng chính cảm giác cô đơn đó lại giúp tôi có cơ hội lắng nghe bản thân mình nhiều hơn. Tôi học cách làm bạn với chính mình, chấp nhận những khuyết điểm, nỗi sợ và từ đó, tìm thấy sức mạnh để vượt qua. Mình nhận ra rằng để vượt qua hoang mạc, trước tiên mình cần vượt qua những giới hạn trong chính mình.
"Cô đơn là một phần không thể thiếu trong những thử thách như vậy. Nhưng chính cảm giác cô đơn đó lại giúp tôi có cơ hội lắng nghe bản thân mình nhiều hơn. Tôi học cách làm bạn với chính mình, chấp nhận những khuyết điểm, nỗi sợ và từ đó, tìm thấy sức mạnh để vượt qua. Mình nhận ra rằng để vượt qua hoang mạc, trước tiên mình cần vượt qua những giới hạn trong chính mình."
Một trong những trải nghiệm khó quên nhất của tôi là khi tham gia chặng đua 80km tại sa mạc Gobi năm 2016. Ngày hôm đó, nhiệt độ lên tới 51 độ C, nước uống nóng hơn cả cơ thể, còn thức ăn thì không thể nuốt trôi vì sức nóng. Tôi chứng kiến cả những vận động viên xuất sắc nhất cũng kiệt quệ, nằm gục bên đường như những bóng dáng tàn lụi, và bản thân tôi cũng cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Không có bóng cây nào để trú ẩn, tôi phải tìm những hòn đá nhỏ để tránh nắng như một con vật tìm hang trú thân.
Đó là một ngày đầy giằng xé giữa việc tiếp tục hay bỏ cuộc. Nhưng ngay cả bỏ cuộc cũng không phải là giải pháp dễ dàng, có người còn bỏ cuộc phải chờ hàng giờ đồng hồ để được rút khỏi chặng đua. Vì vậy, tôi ép mình ăn, dù ăn xong phải nhổ bỏ, chỉ để cơ thể lấy được chút năng lượng. Khi trời mát hơn vào buổi tối, tôi cố gắng tăng tốc để về đích trước khi bão cát ập đến. Nghe kể lại, những người còn trên đường khi bão cát nổi lên đã phải di chuyển trong cảnh mịt mù gần như không thấy gì và Ban tổ chức buộc phải rút họ về để bảo đảm an toàn.
Điều gì đã giữ Thanh tiếp tục tiến bước?
Thanh Vũ: Khi vượt qua thử thách này, tôi mới nhận ra khó khăn thực sự bắt đầu sau đó. Trở về, tôi bị ám ảnh bởi những gì đã trải qua, thậm chí mất niềm tin vào mục tiêu của mình. Tôi tự hỏi liệu những rủi ro này có đáng không. Hai tuần sau đó, ngày nào tôi cũng khóc vì sợ hãi và cảm giác tội lỗi. Nhưng nhờ sự động viên của cộng đồng, tôi tìm lại được niềm vui trong mỗi bước chạy, coi đó là một đặc ân, và điều này đã giúp tôi tiếp tục chinh phục hai sa mạc cuối cùng trong thử thách. Có những lúc chân đầy bọng, toàn bộ cơ thể gào thét dừng lại, nhưng ngay khi mình sức nhớ lý do mình bắt đầu, động lực lại trở lại. Những lúc kiệt quệ, tôi luôn nghĩ đến lý do lớn hơn bản thân, chính là việc trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia và hoàn thành những thử thách này. Tôi tin rằng điều đó sẽ tạo ra một nền tảng, một nguồn cảm hứng cho những người khác tiếp tục chinh phục những điều vĩ đại. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, tôi tập trung vào từng bước nhỏ, không nghĩ xa về quãng đường còn lại, mà chỉ cố gắng làm tốt từng bước một. Quan trọng nhất, tôi học cách biết ơn cơ hội mình có, sự hỗ trợ từ cộng đồng, và coi mỗi bước tiến là một đặc ân. Sau những giai đoạn khó khăn như vậy, tôi càng nhận ra giá trị của việc có một hệ thống hỗ trợ vững chắc từ bạn bè, đồng đội và những người luôn tin tưởng, truyền cảm hứng để tôi tiếp tục tiến về phía trước. Tôi nghĩ rằng, nếu không bước tiếp, mình sẽ đánh mất không chỉ cuộc thi này mà còn là một phần quan trọng trong cuộc sống. Khi chạy, tôi thấy rõ giới hạn của mình, và cũng thấy cách vượt qua nó.
Khoảnh khắc nào trong những hành trình khắc nghiệt này để lại dấu ấn sâu đậm nhất với Thanh?
Thanh Vũ: Khoảnh khắc đáng nhớ nhất với tôi là khi tôi bước qua vạch đích của Marathon des Sables lần đầu tiên. Đó không chỉ là chiến thắng cá nhân, mà còn là sự khẳng định rằng tôi đã vượt qua nỗi sợ và giới hạn của chính mình. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo khi ấy khiến tôi vô cùng tự hào. Tôi nghĩ, đó là sự nhắc nhở rằng không có điều gì là không thể. Mỗi bước chân là một cuốn phim quay chậm, nó cho thấy khả năng vượt qua giới hạn của chính bản thân. Quan trọng nhất, khi bạn dám bước, thế giới có thể thay đổi dưới đôi chân bạn.
"Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo khi ấy khiến tôi vô cùng tự hào. Tôi nghĩ, đó là sự nhắc nhở rằng không có điều gì là không thể. Mỗi bước chân là một cuốn phim quay chậm, nó cho thấy khả năng vượt qua giới hạn của chính bản thân. Quan trọng nhất, khi bạn dám bước, thế giới có thể thay đổi dưới đôi chân bạn."
Trên mỗi chặng đường, từng bước chân của Thanh là một cuộc đối thoại nội tâm, nơi cô phải lựa chọn giữa tiến lên hay dừng lại. Chính trong những thời khắc tưởng chừng muốn bỏ cuộc, cô dần hiểu được giá trị của tự do – tự do vượt qua nỗi sợ, tự do phá bỏ những rào cản mà xã hội từng đặt ra cho phụ nữ. Mỗi bước chạy trên cát nóng bỏng không chỉ là một thử thách về thể chất, mà còn là hành trình cô khám phá sức mạnh bên trong chính mình. Thanh luôn nhắc nhở bản thân lý do cô bắt đầu, nhớ về cô gái nhỏ từng không tin rằng mình có thể chạy xa hơn vài trăm mét. Từng vết đau, từng hơi thở nặng nhọc không làm cô chùn bước, mà trở thành động lực để Thanh chứng minh rằng bất kỳ ai, chỉ cần đủ quyết tâm, đều có thể vượt qua mọi giới hạn.