Bếp thiện nguyện Danang Kitchen: “Đốt lửa” yêu thương giữa tâm dịch Covid-19
Dự án bếp thiện nguyện Danang Kitchen là tâm huyết của bà Nguyễn Trúc Chi, một chuyên gia ẩm thực đến từ TP.HCM lưu trú tại Đà Nẵng trong những ngày thành phố chiến đấu với dịch Covid-19.
Danang Kitchen
Nhóm/dự án có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng
Tháng 7 năm nay, thời điểm Đà Nẵng bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, rất nhiều du khách đã lựa chọn lên những chuyến bay “giải cứu” để trở về quê nhà. Tuy nhiên, một người phụ nữ đã quyết định ở lại, góp công sức giúp thành phố xinh đẹp chống lại dịch bệnh hoành hành. Đó chính là bà Nguyễn Trúc Chi (SN 1970), giám đốc một công ty chuyên tư vấn đào tạo ngành nhà hàng và ăn uống tại TP.HCM.
Với tấm lòng và tinh thần sẻ chia với cộng đồng, khi quyết định ở lại Đà Nẵng giữa thời điểm thành phố bùng phát dịch bệnh, bà Chi đã lên ý tưởng thực hiện dự án bếp ăn thiện nguyện “Danang Kitchen”. Ngay khi Đà Nẵng ban hành lệnh cách ly, bà đã chủ động liên lạc với các chủ những nhà hàng ở Đà Nẵng rồi chia sẻ về ý tưởng thành lập một bếp ăn đảm bảo tiêu chuẩn ngon, sạch sẽ, vệ sinh để cung cấp những suất cơm "VIP" cho lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu.
Dưới lời kêu gọi của bà Chi, chỉ sau một ngày, đã có hơn 100 thành viên là ông chủ, quản lý cấp cao của các nhà hàng lớn đang hoạt động ở Đà Nẵng tham gia, với tinh thần "ai có gì góp nấy".
Dưới lời kêu gọi của bà Chi, chỉ sau một ngày, đã có hơn 100 thành viên là ông chủ, quản lý cấp cao của các nhà hàng lớn đang hoạt động ở Đà Nẵng tham gia, với tinh thần "ai có gì góp nấy". Rất nhanh chóng, vào sáng 1/8, bếp của Da Nang Kitchen đã "đỏ lửa" và bắt đầu cung cấp những suất cơm đầu tiên cho "tâm dịch".
Để đảm bảo giữ khoảng cách an toàn trong mùa dịch, các bếp ăn của “Danang Kitchen” đều chia mỗi ngày 2 ca, mỗi ca chỉ có khoảng 10-15 tình nguyện viên làm việc trong bếp. Các tình nguyện viên không chỉ là các bạn sinh viên mà còn là quản lý các chuỗi nhà hàng lớn, đầu bếp của các nhà hàng, khách sạn 5 sao… Họ đều tình nguyện vào bếp, nấu từng suất ăn dinh dưỡng, chăm chút từng món ăn.
Vốn là một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo ngành nhà hàng và ăn uống, bà Chi đã nghiên cứu và triển khai, áp dụng đồng đều quy trình chặt chẽ, nghiêm ngặt từ khâu chuẩn bị đến lúc cơm được vận chuyển đến khu cách ly.
Trong đó, trước khi vào khu bếp, các tình nguyện viên đều phải khai báo y tế, ghi tên vào sổ để quản lý giờ vào, giờ ra, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Khi làm việc, tất cả đều phải đeo 2 lớp khẩu trang, đeo bao tay, mũ bảo hộ...
Đặc biệt, những ai tham gia nấu cơm đều được xét nghiệm Covid-19 trước. Thức ăn sau khi được chế biến xong phải qua máy đóng hộp từ tia UV để kháng khuẩn, đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch.
Trung bình mỗi ngày, Đà Nẵng Kitchen chuẩn bị khoảng 2.000 suất ăn, có ngày cao điểm, các bếp ăn phục vụ tới hơn 3.000 suất ăn miễn phí cho cán bộ y, bác sĩ tuyến đầu, các bệnh nhân và khu cách ly tập trung. Lửa tiếp lửa, gần 100 nhà hàng ở Đà Nẵng, các nhà hảo tâm cùng hàng trăm tình nguyện viên... đã cùng gom yêu thương, nổi lửa ba bếp, trao đi hàng chục ngàn suất cơm tiếp sức chống dịch.
Lửa tiếp lửa, gần 100 nhà hàng ở Đà Nẵng, các nhà hảo tâm cùng hàng trăm tình nguyện viên... đã cùng gom yêu thương, nổi lửa ba bếp, trao đi hàng chục ngàn suất cơm tiếp sức chống dịch.
Giữa lúc cả thành phố đang căng mình chiến đấu chống lại dịch bệnh, dự án “Danang Kitchen” dù chỉ hoạt động trong hơn 1 tháng nhưng đã thắp lên những bếp hồng chan chứa sự nhiệt huyết, chia sẻ phần nào sự khó khăn, vất vả của các y bác sĩ nơi tuyến đầu, ngày đêm làm việc bảo vệ sức khỏe của người dân. Với sự chung sức, đồng lòng của hàng nghìn người, dự án đã lan tỏa những giá trị yêu thương, tinh thần đùm bọc, tương thân tương ái của dân tộc ta giữa khó khăn, hoạn nạn.
Hồi Sinh Từ Tâm Dịch - Đà Nẵng Tôi Yêu