WeChoice Awards 2023 là nơi để kể những câu chuyện về lòng dũng cảm và sự tử tế tiếp nối nhau, về những con người dẫu bình thường nhưng vẫn sống một cuộc đời thật trọn vẹn và rực rỡ.

  • Vinh Trần - Founder dự án "Ứng dụng công nghệ AI cho người trầm cảm" WECHOICE
    AWARDS 2023
  • Vinh Trần - Founder dự án "Ứng dụng công nghệ AI cho người trầm cảm" WECHOICE
    AWARDS 2023
  • Vinh Trần - Founder dự án "Ứng dụng công nghệ AI cho người trầm cảm" WECHOICE
    AWARDS 2023
Không bằng cấp sang Mỹ ''chinh chiến'' từ Google qua đến Meta, lại bỏ tất cả làm dự án AI giúp người trầm cảm: Một công việc kiếm ra nhiều tiền có thực sự là câu trả lời?
“Đây là lần chọn làm điều khó khiến tôi cảm thấy được sự khác biệt to lớn trong cuộc đời mình. Tôi cho phép mình sống một lần vì bản thân”, Vinh nói.
ĐỂ CỬ
Vinh Trần - Founder dự án "Ứng dụng công nghệ AI cho người trầm cảm"
HẠNG MỤC
Nhân vật truyền cảm hứng
LƯỢT BÌNH CHỌN
Đội ngũ thực hiện
Bài: Ái Lê
Ảnh: Đàm Gia Bảo
Thiết kế: Tuấn Maxx
Chịu trách nhiệm sản xuất:
Tôn Quỳnh Lâm
Đạo diễn: Đỗ Quốc Trung
Quay phim: Trần Hào Khang
Nguyễn Lê Uyển Thư
Hậu kỳ: Nguyễn Lê Uyển Thư - Đặng Thùy Trang
Âm thanh: Nguyễn Phúc Hậu
Trong phim có sử dụng bài nhạc: Fortitude
Sáng tác: Lance Conrad
Cung cấp bởi: ARTLIST.IO
Trần Quang Vinh - Ảnh 2.

“Tôi từ chức ở Google trong sự xấu hổ.

Xấu hổ vì đã nổi cáu với đồng nghiệp, bất lực với cơn thịnh nộ bên trong mình. Trầm cảm trở nặng khiến tôi phải sử dụng thuốc an thần, đánh mất sự tỉnh táo. Tôi không thở được, tâm trí hỗn loạn, mất vị giác và gần như phát điên.

Vùi mình trên giường nhiều ngày và nghĩ đến tự sát”.

Trần Quang Vinh là người trong bi kịch đó.

Ngược về khởi đầu, Vinh có câu chuyện có thể gọi là “phi thường”: Không bằng cấp vẫn được cả Google và Meta săn đón, đến người đàn ông chỉ muốn tự sát, chuyện gì đã xảy ra?


Trần Quang Vinh - Ảnh 1.

10 năm làm rất nhiều việc để nhận ra: Mình đã không làm gì cho chính mình

“Rất nhiều lý do phức tạp dẫn tôi tới suy nghĩ không muốn sống nữa”, Vinh nói một cách nhẹ nhàng, nhưng ẩn sau là lớp lớp sóng dữ.

Lớp sóng đầu tiên đập vào Vinh là khi cậu chứng kiến cảnh ba bạo lực với mẹ, chuyện gia đình bị cô giáo biết được khiến quả bóng cảm xúc trong Vinh phát nổ. “Nhà con có chuyện gì hả?”, câu hỏi nhẹ nhàng của cô khiến Vinh bật khóc, trước sự chứng kiến của cả lớp. Sau giây phút đó, cậu thấy “mình không-còn-bình-thường được nữa".

15 tuổi, Vinh lủi thủi sống một mình trong căn nhà từng là tổ ấm cũ sau khi bố mẹ ly hôn và rời đi xây dựng hạnh phúc mới.

Hết cấp 3, cậu không vào đại học, quyết định tự học để trở thành một graphic designer. Với năng khiếu thiên bẩm cộng với sự rèn luyện và một tư duy mới, Vinh nhanh chóng kiếm được tiền từ khả năng thẩm mỹ vượt trội. 20 tuổi cậu kiếm hơn 1.000 đô/tháng, sản phẩm được Apple featured trên App Store thu hút hàng trăm nghìn người dùng dù không có bằng cấp.

24 tuổi Vinh vào RMIT, cố gắng quay lại với việc học nhưng không thể hòa nhập.

Kiếm được tiền sớm nhưng Vinh hận đời. Vinh ý thức có những điều mình không thể chọn lựa, như là cách mình sinh ra và lớn lên.


 - Ảnh 1.


Năm 2013, ở tuổi 27, Vinh có cơ hội sang Mỹ làm việc dù bản thân không có bằng cấp. Tuy nhiên, cơ hội bốc hơi chỉ sau thông báo huỷ job của công ty bên Mỹ. Vinh vẫn đi dù không có công việc nào đang chờ đợi mình, không một điều gì đảm bảo cho tương lai.

Anh nhắm đến “chiếc ghế” Head of Design, tại một công ty khởi nghiệp ở San Francisco và lao vào cuộc phỏng vấn 8 tiếng với tâm thế “không còn gì để mất”. Chàng trai Việt được nhận với mức lương giúp anh có một cuộc sống thoải mái ở Mỹ thời điểm đó.

Năm 2021, khi đang ở đỉnh sự nghiệp - làm cho Google có sản phẩm đạt 3 tỷ người dùng, mua được vài căn nhà ở Mỹ, tậu xe sang… thì những cơn sóng mới bất ngờ vồ lấy. Lần này, Vinh bị nhấn chìm thật sự!

Bạn thân trong giới khởi nghiệp qua đời. Nỗi đau tiếp nối khi Vinh nhận tin bà nội ở Việt Nam mất.

Bối cảnh tình hình dịch bệnh căng thẳng ở Mỹ, mỗi ngày lên mạng đều thấy có người qua đời, trong lúc đó, công ty vẫn thúc đẩy nhân viên tiếp tục làm việc…

“Chứng kiến nhiều sự mất mát, làm cho tôi thấy cuộc đời con người rất hữu hạn. Dù mình có đang làm gì đi nữa chỉ cần ngã bệnh, tất cả đạt được đều vô nghĩa. Tôi thay đổi góc nhìn”, Vinh nghĩ vậy và xin từ chức.

Như một quy luật tự nhiên, khi muốn di chuyển từ đỉnh này sang đỉnh khác, bước đầu tiên, bạn phải rơi xuống đáy để học nhiều điều và giác ngộ mới cần hành trình vươn lên tiếp theo.

Chạm đáy, Vinh run rẩy nhận ra: “Một công việc ổn định, kiếm ra nhiều tiền có thật sự là câu trả lời hay không? Còn gì mày muốn làm ngay bây giờ để thay đổi cuộc đời không? Suốt 10 năm qua, mày vẫn sống như vậy, vẫn đau đớn trong nội tâm khi không làm được gì cho bản thân, mặc dù đã làm rất nhiều cho gia đình, con cái. Tại sao mày không lấy kinh nghiệm ‘đau thương’ đó để biến nó thành một khởi điểm mới giúp đỡ những người xung quanh?”.


 - Ảnh 2.

Dự án Murror (lấy cảm hứng từ Mirror - tấm gương) hỗ trợ những người bị bệnh trầm cảm nhận ra vấn đề của chính mình bằng cách dùng công nghệ AI, có xuất phát điểm như thế.

“Đây là lần chọn làm điều khó khiến tôi cảm thấy được sự khác biệt to lớn trong cuộc đời mình. Tôi cho phép mình sống một lần vì bản thân”, Vinh nói về quyết định bỏ việc ở Google để khởi nghiệp dự án đồng hành cùng người trầm cảm.


Trần Quang Vinh - Ảnh 7.

Ở tuổi 36, Vinh bán 1 căn nhà mà không suy nghĩ nhiều để “nuôi” dự án, tìm kiếm đội ngũ đồng hành và cho ra mắt bản beta của ứng dụng vào đầu tháng 12 vừa qua.

Nghe có vẻ phiêu khi một người có kinh nghiệm 17 năm trong lĩnh vực thiết đồ hoạ lại chọn khởi nghiệp với một ứng dụng được phát triển từ trí tuệ nhân tạo - AI? Và thật kì lạ khi máy móc lại giúp con người “chữa lành”, trong khi người với người lại gặp những vấn đề “không thể giãi bày”.

Vinh đáp: “Có 1 thống kê ở Mỹ là trên 50% người trầm cảm sẽ không muốn đi gặp bác sĩ hoặc chia sẻ cho người khác vì nó là vấn đề riêng tư sợ bị đánh giá, ở châu Á tỷ lệ này là 90%.

Bước đầu tiên, tôi xây dựng Murror thành 1 hệ thống giúp người dùng có thể hiểu về vấn đề nội tâm của mình, bằng cách dùng trí thông minh nhân tạo. Tạo ra một môi trường để họ cảm thấy an toàn, giúp họ viết lại những nhật ký cảm xúc. Dựa trên nhật ký cảm xúc đó sẽ hiểu cụ thể điều gì đã xảy ra.


Trần Quang Vinh - Ảnh 1.


Tôi tin khi chúng ta càng hiểu mình thì mới càng biết chính xác biện pháp điều trị nào mới thật sự phù hợp với mình. Những lời khuyên đi thiền, đi yoga chỉ là chung chung, hoàn cảnh mỗi người một khác nhau.

Giá trị lớn nhất là tạo ra được sự đồng cảm cho người mắc trầm cảm. Ngay cả team nội bộ của chúng tôi cũng không biết các bạn chia sẻ điều gì. Vì tính cá nhân hoá cao, nên không ai bị đánh giá, với mỗi người sẽ có 1 cách tiếp cận khác nhau. Người trầm cảm năng lượng bao giờ cũng thấp, việc tạo ra được một môi trường thoải mái, đủ cảm hứng chia sẻ có ý nghĩa rất lớn. Và môi trường an lành này được tạo nên từ âm thanh, hình ảnh, thiết kế… trong ứng dụng”.

Còn về khía cạnh chọn máy móc để giải quyết một vấn đề rất con người. Vinh vẫn đầy tự tin rằng: Có thể làm được!

“79% người có vấn đề tâm lý chọn AI để trò chuyện, thay vì bác sĩ tâm lý, vì lý do đồng cảm cao hơn 10 lần. Vì bác sĩ cũng là con người, cũng sẽ có lúc mệt, cũng sẽ có sự đánh giá và chất lượng câu trả lời cũng sẽ thay đổi chứ không nhất thống. Nhưng AI lúc nào cũng sẽ chia sẻ ở góc độ hay nhất, tốt nhất, không đánh giá…

"Đội ngũ mà tôi đang phát triển hiện nay có sự góp mặt của các bác sĩ giỏi về tâm lý - tâm thần, đủ khả năng huấn luyện cho AI thành một “người” chữa lành tốt nhất. Người giữ chức vụ Giám đốc Y tế của Murror là tiến sĩ, bác sĩ Vania Manipod, đồng thời cũng là Tổng biên tập của Tạp chí The DO (cung cấp tin tức và thông tin chuyên sâu về sức khỏe, đặc biệt là xương khớp). Cô có kinh nghiệm làm trợ lý giáo sư lâm sàng về tâm thần học tại Đại học Khoa học Y tế Western (Mỹ), đứng đầu các nhóm tư vấn liệu tâm lý. Ngoài ra, Murror còn có sự góp sức của tập thể bác sĩ, sinh viên Y khoa tại các trường đại học uy tín trên Mỹ”.

Trần Quang Vinh - Ảnh 8.

Trần Quang Vinh - Ảnh 11.

Trước khi muốn bỏ học, hãy kiếm ra 1 triệu USD

Trong thời điểm mới bắt đầu với Murror, để đảm bảo cuộc sống gia đình, Vinh cũng song song bắt đầu làm việc cho Meta sau 7 lần từ chối lời mời. Câu chuyện bỏ học, không bằng cấp vẫn được các “ông lớn’’ săn đón, chính điều làm nên phần ấn tượng trong background “đọc qua một lần là nhớ’’ của Vinh.

Đặt tình huống nếu một ngày các con anh tuyên bố chúng muốn bỏ học vì thấy ba bỏ học vẫn thành công, Vinh cười ồ: “Tôi sẽ không bao giờ nói với chúng là tôi không có bằng cấp. Hoặc, đợi cho đến một ngày cũng đã thành công tôi mới ‘để ba nói cho chúng con nghe…’. Lúc đó tôi mới tiết lộ sự thật chấn động’’.

Vì sao có sự che đậy này? Phải chăng từ bản thân mình Vinh cũng đã trải qua những bất lợi khi không có bằng cấp? - “Tôi chưa từng bị hạn chế trong sự nghiệp chỉ vì thiếu tấm bằng, dù đã bị thử thách rất nhiều lần về chủ đề này”, Vinh cho biết.

Nhưng trong chục năm ở Mỹ, Vinh chưa gặp ai giống mình. Nghĩa là phần trăm không bằng cấp vẫn thành công là rất hiếm.

“Học và có bằng cấp chính là con đường đi đến thành công bớt đau thương và mạo hiểm nhất. Nếu đang học và chưa nghĩ về tương lai hãy học cho xong đã rồi tính. Còn bạn đang có hoài bão lớn và một cách thực tế, nó tạo ra tiền, mới nên cân nhắc. Nếu một ngày con tôi đòi bỏ học để khởi nghiệp, tôi sẽ đáp: Con kiếm được 1 triệu USD trước khi có bằng thì ba sẽ không cấm”.

Đối với Vinh, điều quyết định tương lai của một con người không chỉ phụ thuộc vào tấm bằng (dù nó cần thiết) mà là ở tư duy.

“Bạn phải có một tầm nhìn, một tư duy và kinh nghiệm đủ khả năng chịu đựng sự không - thoải - mái để chuẩn bị cho thời đại. Không thoải mái là gì? Là những điều sẽ đại diện cho sự phát triển. Đó mới là thứ khiến đời mình đi xa. Đến ngày hôm nay, tôi vẫn thấy không thoải mái với đời mình. Vì thế, tôi nghỉ việc ổn định lương cao để khởi nghiệp. Tôi luôn cảm thấy rất nhiều thứ phải làm và thấy mình rất thiếu sót”, Vinh nói.

Trong sự nghiệp, Vinh khuyên người trẻ đừng đi theo sự mách bảo của trái tim 100%. Lựa chọn ngành nghề nào cũng cần có chiến lược và nhìn thấy cơ hội phát triển của nó.

Hãy làm điều khó. Khi đặt mục tiêu, đừng đặt mục tiêu là “second best” mà hãy đặt mục tiêu là “the best”. Xây dựng Murror để phải đánh đổi giữa việc ở gần gia đình hay liên tục di chuyển để phát triển sản phẩm, cũng là một điều khó.

Vinh liên tục từ chối offer làm việc từ Google, Facebook cho đến cơ hội lãnh đạo team ở Nhật và Mỹ của Playstation để thiết kế PS5… Vinh biết vào những công ty lớn mình sẽ có nhiều cơ hội nhưng ở khởi nghiệp, anh còn học được nhiều thứ. Vinh luôn ham học.

Kỷ luật cá nhân là một điều cực kỳ quan trọng. Sắp xếp môi trường văn hoá sống theo cách của mình. Trong căn nhà, không nên phòng ngủ là nơi thoải mái nhất, mà ưu tiên chính là bàn làm việc. Thì mỗi ngày ngủ dậy, bạn sẽ thấy ưu tiên trong cuộc sống của mình.

Thế nên, Vinh có 1 căn nhà rất to nhưng anh phải dọn đi để sống căn nhà rất nhỏ, căn nhà to anh cho mướn. Chính môi trường thiếu cái này một chút, cái kia một chút luôn thúc đẩy anh tiếp tục sáng tạo, lao động.


Trần Quang Vinh - Ảnh 13.

Điều rực rỡ nhất chính là vượt qua điều đau lòng nhất

Suốt cuộc trò chuyện, nhiều lần Vinh dừng lại vì băn khoăn “không biết có nên nói ra điều này không?”. Nhưng lần đắn đo lâu nhất chính là lúc phải tìm cách diễn đạt khi nhận câu hỏi: “Điều gì rực rỡ nhất trong đời anh?”.

Suy nghĩ hồi lâu, Vinh trả lời ngắn gọn: Là khi có danh dự.

Không thể ngừng tò mò, đáp án ngoài mọi suy đoán. Tại sao danh dự lại là thứ rực rỡ nhất mà Vinh có.

“Vì tôi đã từng rất nghèo. Từng lớn lên trong một gia đình không được những người xung quanh coi trọng. Sống một cuộc đời không ai quan tâm. Quen bạn gái, gia đình họ cấm cản kịch liệt vì chẳng thấy ba mẹ tôi đâu, không có gì đảm bảo tương lai.


 - Ảnh 1.

Khi tôi tự lo được cho mình, tạo ra được một cuộc sống tốt, điều đó làm tôi hạnh phúc. Tôi có điều kiện tiếp xúc với những người dù xa lạ nhưng họ tin tưởng tôi. Đó là 1 sự thật rất phũ phàng. Khi tôi là một ai đó người ta sẽ đến với tôi, khi tôi không là ai cả thì cũng chẳng thấy ai bên cạnh.

Khi bước qua tất cả những điều khiến tôi đau lòng nhất, nhìn lại, tôi thấy mình không thua ai. Đó là động lực rất lớn để tôi thành công.

Tôi bây giờ là con người gần nhất với phiên bản mà tôi muốn chạm tới: Được sống với hoài bão của riêng mình. Điều đó truyền cho tôi nghị lực rất lớn để theo đuổi những điều đang làm. Nó đi sâu vào hoá giải chính nỗi đau của mình, tôi đang đối diện với chính con quỷ dữ bên trong tôi. Bởi vậy, chưa khi nào tôi thấy mạnh mẽ, đẹp đẽ và có khát khao chiến thắng lớn như hiện tại”.

Những ngày cuối của tháng 12, rời cuộc họp này Vinh có mặt ngay ở cuộc gặp kia. Dù trước đây Vinh cũng đã quen với guồng quay công việc ngộp thở khi làm cùng lúc 3-4 công ty ở Mỹ. Nhưng sự bận rộn này khác! Đây là công ty đầu tiên của chính anh, là “đứa con tinh thần’’ Vinh ấp ủ, là trách nhiệm với hàng chục con người trong đội ngũ…

Giấc mơ của Vinh vì thế cũng có nhiều thay đổi. Ngày trước, giấc mơ gói hẹp trong mưu cầu hạnh phúc riêng tư, về một gia đình ấm áp có đủ ba mẹ, em trai và chính mình.

Còn bây giờ, điều Vinh hướng đến cũng là sự ấm áp nhưng là: “Một môi trường ấm áp mà tôi là một phần của môi trường đó. Tôi muốn đem lại giá trị lớn cho cộng đồng để mọi người đều học được những bài học về sức khỏe tinh thần và cảm thấy hạnh phúc hơn”.

Đó cũng là lý do Vinh đặt tên dự án của mình Murror thay cho Mirror (tấm gương), “u’’ thay bằng “i”, một cá nhân nhỏ bé là “I - TÔI’’ vươn thành điều to lớn đẹp đẽ là “U - YOU - BẠN”. Nếu Mirror là tấm gương phản chiếu một cá nhân, thì Murror chính là điều ấm áp Vinh muốn đem ra để mọi người cùng soi chiếu lòng mình, hiểu về chính mình từ đó chữa lành những nỗi đau bên trong.

 

Truyền thông viết về đề cử
    Đơn vị tổ chức
    ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
    Đơn vị thực hiện
    SPECIAL THANKS TO
    Đơn vị hợp tác sản xuất ÂM NHẠC
    Đơn vị hỗ trợ