WeChoice Awards 2023 là nơi để kể những câu chuyện về lòng dũng cảm và sự tử tế tiếp nối nhau, về những con người dẫu bình thường nhưng vẫn sống một cuộc đời thật trọn vẹn và rực rỡ.

  • Streamer/ YouTuber/ Doanh nhân Pew Pew WECHOICE
    AWARDS 2023
  • Streamer/ YouTuber/ Doanh nhân Pew Pew WECHOICE
    AWARDS 2023
  • Streamer/ YouTuber/ Doanh nhân Pew Pew WECHOICE
    AWARDS 2023
Pew Pew: “Thất bại có gì đâu mà sợ?”
Cả sự nghiệp của Pew Pew xoay quanh chữ “dám”. Dám thử, dám làm, dám thắng và dám thua. Nó giống như một đồ thị hình sin, với những khúc chạm đỉnh cao rực rỡ nhất cho đến cả những lúc xuống đáy thấp nhất, và rồi lại chạm đỉnh thêm một lần nữa.
ĐỂ CỬ
Streamer/ YouTuber/ Doanh nhân Pew Pew
HẠNG MỤC
Nhân vật truyền cảm hứng
LƯỢT BÌNH CHỌN
Đội ngũ thực hiện
Bài viết: Diệp Nguyễn
Ảnh: Linh Phạm
Thiết kế: Trường Dương
Chịu trách nhiệm sản xuất:
Tôn Quỳnh Lâm
Đạo diễn: Burtnong
Quay phim: Việt Quân - Gia Long
Hậu kỳ: Phong Nguyễn
Đơn vị tài trợ thiết bị sản xuất: CINEHANOI
Pew Pew: “Thất bại có gì đâu mà sợ?” - Ảnh 2.

Để thực hiện mục tiêu biến streamer thành một nghề chính thức, Pew Pew bỏ công việc ở Úc và về Việt Nam lập nghiệp. Đến một ngày nọ, Pew từ bỏ luôn cả danh tính của một streamer bởi vì bị thu hút với công việc kinh doanh. Và thế là từ đấy chúng ta thấy Pew lăn lộn với việc bán cơm tấm, bán bánh mì, mở tiệm giặt là cho đến cả… nuôi tôm. Gần đây nhất, Pew lại một lần nữa dấn thân vào một thử thách mới khi trở thành chiến thần livestream bán hàng, với doanh thu mỗi phiên lên là những con số ấn tượng.

Cả sự nghiệp của Pew Pew xoay quanh chữ “dám”. Dám thử, dám làm, dám thắng và dám thua. Nó giống như một đồ thị hình sin, với những khúc chạm đỉnh cao rực rỡ nhất cho đến cả những lúc xuống đáy thấp nhất, và rồi lại chạm đỉnh thêm một lần nữa. Xây dựng rồi đập bỏ. Thất bại rồi lại thành công. Chúng đến và đi với Pew như một trận đấu game. Thắng thì vui, thua vẫn… chơi tiếp.

Livestream view bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là người xem thấy vui

Thời điểm còn ở Úc, điều gì khiến Pew tin vào tiềm năng của ngành streamer để quyết định lấy đấy làm lý do trở về Việt Nam?

Tôi biết đến công việc livestream khi theo dõi một giải game hồi ở bên Úc. Ngày ấy, livestream chưa có một định nghĩa cụ thể mà cũng chẳng ai theo đuổi công việc ấy một cách nghiêm túc. Ở gần chỗ làm có một quán net, anh em thường hay ra đấy sau giờ làm để xem livestream với nhau và rất cần một hoạt náo viên nên tôi vô tình đảm nhiệm luôn vị trí đó. Tôi lao vào trải nghiệm và tìm hiểu, để rồi - qua các con số - nhận ra một tiềm năng cực lớn của ngành livestream. Ở Úc không ai quan tâm. Ở Việt Nam chưa ai biết đến. Dù những con số không biết nói dối, nhưng làm thế nào để sống được với nghề này lại là một bài toán tôi không cách nào giải được.

Đến một ngưỡng mà tôi nhận ra đây là lúc mình bắt buộc phải đưa ra lựa chọn. Tối nào tôi cũng livestream, bình luận và làm nội dung đến tận 2-3 giờ sáng. Có hôm đến 4-5h lận. Người bình thường một đêm ngủ 8 tiếng, còn tôi chỉ ngủ 3-4 tiếng để ngày hôm sau vẫn đảm bảo việc đi học, đi làm.

Cái thôi thúc phải tạo ra một bước ngoặt luôn đau đáu trong tôi, nhưng khi nào mới ngoặt được thì… chưa biết. Cơ hội đến khi một người sếp cũ ngỏ lời mời tôi cùng làm với anh ấy một dự án livestream đầu tiên. Tôi nhận ra đây là thời điểm mà mình cần nắm lấy. Tháng 12/2014, tôi chính thức trở về Việt Nam.

Có một chút phân vân nào xuất hiện trong sự quyết định của Pew khi đó không?

Tôi không nghĩ mình đã lo lắng đâu. Khi mong muốn rẽ lối xuất hiện, tôi đã có sự chuẩn bị trong suốt 1-2 năm. Và bố mẹ cũng là những người đầu tiên phản đối. Bố tôi vốn rất nóng nảy, ông nghĩ mình đã mất đi một đứa con và cho rằng tinh thần tôi không được bình thường. Mẹ thì khóc đêm ngày vì thương. Còn tôi thì… không hiểu vì sao bố mẹ lại như vậy. Tôi đã chia sẻ rất rõ ràng về lý do tôi thay đổi, kế hoạch tôi sẽ làm và con đường tôi sẽ đi. Giây phút đó, tôi nói rằng: Đằng nào con cũng sẽ về. Và bởi đây là một quyết định mạo hiểm, nên con càng phải có trách nhiệm hơn với quyết định của mình.

Cho đến khi trở về và làm rất nhiều công việc với các tập đoàn lớn, bố mẹ tôi mới yên tâm. Nhưng ngay khi có vẻ ổn ổn, tôi… lại nghỉ và đi làm ở công ty giải trí. Rồi cũng khi đang ổn, tôi lại rời công ty và chuyển qua kinh doanh. Đến một giai đoạn, bố tôi nói: “Có lẽ đến thời điểm này, bố mẹ cảm thấy khó có thể hiểu được con nữa. Lúc nào con có thể chia sẻ, hãy cứ chủ động. Bố mẹ cũng chẳng hình dung được sẽ cần phải hỏi con những gì để có thể biết và lắng nghe”.

Bỏ việc về nước để làm streamer. Trở thành streamer nổi tiếng nhất Việt Nam. Cuối cùng lại bỏ cả công việc streamer và những thành tựu mình đạt được. Hình như sự nghiệp của Pew luôn là một hành trình xây dựng rồi đập bỏ?

Hồi đó tôi làm việc trong một công ty giải trí. Công việc hàng ngày là livestream và tạo ra nguồn thu nhập. Điều đó khiến tôi thấy khó mà tập trung cho công việc kinh doanh. Chia sẻ thêm một chút là khi nghỉ ở công ty, nhiều người xì xào về lý do nhưng đơn giản là tôi muốn thay đổi và không muốn ảnh hưởng tới bất kỳ ai chứ không có một vấn đề cá nhân nào cả. Còn hỏi rằng khi từ bỏ có khó khăn về mặt thu nhập hay công việc hay không thì chắc chắn là có. Mỗi lần thay đổi, ta không thể từ A sang A+ được, nhiều khi phải về Y hay Z rồi mới bật trở lại.

Pew Pew: “Thất bại có gì đâu mà sợ?” - Ảnh 4.

Pew Pew: “Thất bại có gì đâu mà sợ?” - Ảnh 1.

Sau khi nghỉ, tôi vẫn livestream. Tất nhiên là nó không thể viral và kiếm nhiều tiền như khi còn làm việc trong ngành giải trí. Nhưng bây giờ tôi thấy vẫn vui vì được làm những gì mình thích. Giống như một ông cầu thủ chuyên nghiệp bây giờ giải nghệ và về vườn đá giải ao làng vậy. Thu nhập thì sẽ xoay kiểu khác, không có vấn đề gì phải lo.
PEWPEW

Và bây giờ thì bạn chuyển qua… livestream bán hàng.

Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đi livestream bán hàng, dù đã có tìm hiểu về công việc này. Cá nhân thì tôi đam mê ngành livestream. Tôi tin rằng trong tương lai, livestream không phải là nhu cầu về giải trí nữa mà nó sẽ trở thành một thứ nhu cầu thiết yếu. Hiện tại thì mọi thứ đã rơi vào đâu đấy 30-40% rồi. Cách đây 5-6 năm, mua hàng và nhận hàng tại nhà là một cảm giác khó mà hình dung được với ngay cả những người thành thị. Bây giờ, câu chuyện mua hàng online đã trở thành bình thường, có khi hàng xóm cũng nhận hàng hộ nhau được. Hãy từ đó để nhìn sang câu chuyện của 5 năm tới, có lẽ không chỉ là nhận hàng hộ nữa mà cả xóm sẽ cùng nhau mua chung một deal.

Điều thú vị ở việc xem livestream bán hàng đó là khách hàng được trải nghiệm và giải trí. Khi đặt câu hỏi trên livestream, bạn sẽ có sự tương tác, được lắng nghe chia sẻ, bình luận từ rất nhiều khán giả khác. Hãy tưởng tượng: Bạn bước vào một cửa hàng và một thỏi son. Nhân viên sẽ tư vấn một cách chuyên nghiệp và tìm mọi cách để khiến bạn rút ví. Nhưng khi bạn xem livestream, bạn có được những lời chân thành kiểu: “Tôi thấy bà đánh màu này không được sang cho lắm”. Mọi thứ trở nên rất nhẹ nhàng và vui vẻ, ta không chỉ mua hàng mà còn mua cả niềm vui. 

Tôi cũng khá bất ngờ khi biết rằng, Pew mới livestream bán hàng được 3 tháng. Để đạt được thành công như hiện tại, chắc hẳn không phải ngẫu nhiên?

Từ buổi livestream đầu tiên đến hiện tại và cả tương lai, tôi có một sự cố chấp lớn nhất, đó là view bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là người xem thoải mái. Họ mua hay không cũng chẳng sao, miễn họ cảm thấy vui. Việc của tôi khi lên livestream là phải tương tác hết mình với khán giả, luôn vui nhất có thể dù có bao nhiêu người xem đi nữa. Vậy nên, tôi không bao giờ để màn hình doanh số chạy trước mặt khi làm việc. Dù là live cho thương hiệu lớn hay nhỏ thì khi lên livestream, tất cả đều như nhau và tôi phải cố hết sức để phục vụ khách hàng của mình. 


Từ buổi livestream đầu tiên đến hiện tại và cả tương lai, tôi có một sự cố chấp lớn nhất, đó là view bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là người xem thoải mái. Họ mua hay không cũng chẳng sao, miễn họ cảm thấy vui.


PewPew

Tại thời điểm này, có rất nhiều bên ngỏ ý muốn tôi nhận thêm nhưng tôi từ chối. Tôi cũng thẳng thắn chia sẻ với họ rằng, tôi mới làm được 3 tháng thôi nên mọi thứ vẫn còn mới mẻ, hãy để tôi vừa làm vừa lắng nghe. Mọi thứ xoay chuyển rất nhanh nên tôi và team cũng tìm cách kiềm chế hết sức để giữ mọi thứ thật ổn định. Tôi muốn xem phản ứng khách hàng và đảm bảo cả chất lượng sản phẩm khi đến tay khách. Đó là một câu chuyện xa hơn để đi đường dài với công việc này, chứ đâu phải chỉ bán xong là xong. 

Pew Pew: “Thất bại có gì đâu mà sợ?” - Ảnh 6.

Pew Pew: “Thất bại có gì đâu mà sợ?” - Ảnh 8.

“Thất bại có gì đâu mà sợ? Làm được thì vui, không làm được thì… thôi”

Đã ai nói Pew… ngông chưa?

Ngông trong “ngông cuồng” thì chắc chắn là không. Tôi không muốn và cũng chưa bao giờ nghĩ mình ngông theo từ đó cả. Vậy nên tôi từng giật mình khi một người nói tôi ngông. Bạn biết đấy, người ta có thể nói tôi điên, tôi khùng, nhưng “ngông” lại là một từ khó diễn tả vì tôi thấy mình vốn là người rất dĩ hòa vi quý.

Tôi nhận ra một điều là có lẽ mọi người đều cảm thấy mình có gì đó… là lạ. Đơn cử như việc bán hàng online, người khác thì chỉ cần lên livestream thôi nhưng tôi sẽ là đứa đi lang thang ngoài đường để quan sát hành vi mua bán của mọi người. Tôi tới tận nơi những người bán hàng làm công việc đó hàng ngày, nhìn xem họ bán hàng bằng cách nào và suy nghĩ xem mình đã phù hợp để bán sản phẩm đó tại thời điểm này hay chưa?

Tôi sẽ là đứa đi lang thang ngoài đường để quan sát hành vi mua bán của mọi người. Tôi tới tận nơi những người bán hàng làm công việc đó hàng ngày, nhìn xem họ bán hàng bằng cách nào và suy nghĩ xem mình đã phù hợp để bán sản phẩm đó tại thời điểm này hay chưa?
PEWPEW

Pew Pew: “Thất bại có gì đâu mà sợ?” - Ảnh 1.

Tôi quan niệm bán một sản phẩm cũng kéo theo rất nhiều những vấn đề của sản phẩm đó, và việc của người bán là phải thật hiểu về những thứ mình mang đến cho khách hàng. Bán đồ ăn chẳng hạn, tôi đã có rất nhiều những lời mời bán nhưng chưa làm. Bởi tôi chưa hiểu cách những người bán mặt hàng này giao tiếp và kết nối với khách hàng. Hàng ngày, tôi ra chợ đầu mối bán trái cây hay thức ăn, tôi nhìn cách các cô chú dậy sớm đi nhập thịt, rau, củ, quả về bán, lắng nghe từng câu rao hàng của họ với từng cao độ và âm vực khác nhau. Một ngày nào đó tôi hy vọng mình sẽ hiểu được, và khi đã hiểu được, cảm được rồi thì cứ thế mà tiến thôi. Chẳng cần phải bán được một container mà chỉ cần một cân hay chục cân thôi đã tốt lắm rồi! 

Chia sẻ một chút về lý do tôi nghĩ đến từ “ngông” khi nói chuyện với Pew. Từ “ngông” với tôi không mang nghĩa tiêu cực hay bất cần đâu, mà nó nghiêng về sự dám nhiều hơn.

Ừ, cái “dám” này thì tôi nhận.

Trừ những thứ phạm pháp và trái đạo đức tôi sẽ không bao giờ làm, thì với những thứ còn lại, tôi luôn đặt ra câu hỏi: “Tại sao không?”. Tôi đi du học từ khi còn rất nhỏ và là một trong những người Việt Nam ít ỏi ở nơi mình học. Sau khi ổn định, tôi lại về Việt Nam, liên tục làm rồi nghỉ. Đằng sau mọi quyết định ấy của tôi là suy nghĩ: “Mình có mất gì đâu nhỉ?”. Đa phần mọi người không dám làm điều gì đó là bởi họ nghĩ tới những thứ họ sẽ không được, sau đó là mất và lẹm vào những thứ mình đang có, thậm chí tất cả mọi thứ trong tay. Mọi người thường nghĩ rất xa và toàn nghĩ đến những thứ tiêu cực, thay vì nghĩ rằng tôi sẽ có được gì khi dám làm.


Đa phần mọi người không dám làm điều gì đó là bởi họ nghĩ tới những thứ họ sẽ không được, sau đó là mất và lẹm vào những thứ mình đang có, thậm chí tất cả mọi thứ trong tay. Mọi người thường nghĩ rất xa và toàn nghĩ đến những thứ tiêu cực, thay vì nghĩ rằng tôi sẽ có được gì khi dám làm. 
PEWPEW

Gần đây nhất, tôi rời khỏi ngành giải trí, xa hơn là từ bỏ công việc ổn định ở tập đoàn. Mọi người chỉ hỏi rằng: Đang ổn như vậy tại sao nghỉ? Nhưng ngay từ đầu, tôi chỉ nghĩ rằng tôi vẫn đủ cơm ăn 3 bữa, quần áo dù không đẹp nhưng cũng đâu đến độ rách rưới. Tôi đâu có mất gì? Mọi thứ vẫn thế. Ngành nghề nào chẳng có người này, người kia và ai cũng đều vui vẻ và tích cực. Đã vậy thì cứ làm thôi!

Nhưng chẳng lẽ Pew không sợ thất bại?

Ui, thất bại có gì đâu mà sợ?

Tôi không đi tìm định nghĩa của thành công và thất bại, cũng chẳng nghĩ mình thành công theo cách nào. Làm được gì thì vui nấy, không được thì… thôi. Với tôi, kết quả ra sao thì nó vẫn chỉ là kết quả. Cái quá trình chúng ta quyết định làm, rồi ta phải suy nghĩ, cân nhắc xem thế nào thì tối ưu, làm sao để thuận lợi - như thế mới thú vị. Thành công hay thất bại thì hãy để người khác đánh giá đi! Cuộc đời mà, được cái này sẽ mất cái kia. Thành cái này kiểu gì cũng bại cái khác. Ta đâu thể trọn vẹn được mọi thứ trong tay? Vậy nên, đó là điều tôi chưa bao giờ nghĩ đến.

Nhưng làm mà không có mục tiêu thành bại thì chẳng phải sẽ hơi mông lung ư?

Trong công việc thì khác nhé. Tôi luôn đặt ra những mục tiêu cụ thể cho mình.

Ví dụ, ngày mới về Việt Nam, tôi đặt mục tiêu biến streamer thành một nghề và có thể kiếm sống được từ nó. Tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ của nhiều người và đúng là mọi thứ đều thuận lợi. Hiện tại, tôi đã có một mục tiêu mới trong công việc này. Dù chưa chia sẻ được nhưng tôi cũng đã xác định rõ con đường để đạt được nó rồi. Không một phút giây nào tôi có suy nghĩ chệch khỏi mục tiêu đó cả.


Pew Pew: “Thất bại có gì đâu mà sợ?” - Ảnh 2.


Dù vậy, tôi vẫn nghĩ rằng lời khuyên “Đừng sợ thất bại” nghe giống như một cái bẫy nhiều hơn…

Tôi lại nghĩ rằng mình chẳng đủ để đưa ra lời khuyên cho bất cứ ai đâu. Nhưng nếu có một lời khuyên phải đưa ra cho các bạn trẻ, nó sẽ ngắn gọn thôi: “Làm gì hãy nghĩ kỹ. Nghĩ kỹ rồi mới làm. Làm rồi đừng hối hận. Hãy nghĩ làm sao để tối ưu tiếp và phát triển những thứ mình đang làm”. Tại sao mở quán cafe lại cứ nghĩ đến chuyện sẽ phá sản và đóng cửa, hoặc nghĩ quán mình sẽ đông khách và mình trở thành ông bà chủ?

Đừng nghĩ đến hai thái cực đó vội mà hãy nghĩ về những thứ ở giữa. Nếu chỉ có một khách thì người khách đó là ai? Anh ta ghé đây vì cafe ngon hay chỉ vì nhà anh gần? Chuyện có hai khách, ba khách, năm khách… mới là những chuyện phải nghĩ. Đóng cửa thì có vấn đề gì đâu. Ai cũng làm cafe thì lấy đâu ra người đi uống? Phá sản chỉ là một trạng thái, hãy dành thời gian và năng lượng cho những thứ ở giữa như là hành trình, là trải nghiệm, là bài học. Đừng để suy nghĩ về thất bại hay thành công chi phối hành động của bạn. Nghĩ kĩ những gì mình cần làm, và đã làm rồi thì chỉ tập trung để phát triển nó tốt hơn.

Phá sản chỉ là một trạng thái, hãy dành thời gian và năng lượng cho những thứ ở giữa như là hành trình, là trải nghiệm, là bài học. Đừng để suy nghĩ về thất bại hay thành công chi phối hành động của bạn. Nghĩ kĩ những gì mình cần làm, và đã làm rồi thì chỉ tập trung để phát triển nó tốt hơn.
Pewpew


Pew Pew: “Thất bại có gì đâu mà sợ?” - Ảnh 12.

“Ai chẳng muốn thử bỏ hai tay một lần khi đi xe đạp. Nhưng tôi xin khẳng định: Không nên nha!”

Nghe Pew nói vậy, tôi lại cảm thấy bây giờ, sau rất nhiều thành bại, Pew lại là một người thận trọng.

Chắc chắn là như vậy rồi. Giống như một người đi xe đạp lần đầu tiên, họ thử bỏ một tay thì thấy bình thường, nhưng bỗng muốn bỏ cả hai tay để trải nghiệm cảm giác mạnh. Ngày mới lớn, hẳn bạn từng thử như vậy rồi phải không? Không nên nha! Đây không phải là một lời khuyên mà là một sự khẳng định luôn: Không nên!

Tôi từng đi xe đạp lẫn xe máy và thử thả một tay, nhưng rồi cũng nhanh chóng quay lại hai tay. Tôi thậm chí từng ngã và có một vết sẹo. Nhưng đừng nghĩ rằng ngã một lần để lần sau nhớ không ngã nữa. Biết đâu lần sau sẽ là một vụ tai nạn nghiêm trọng thì sao? Càng lớn, càng trưởng thành, càng làm nhiều thì càng không đồng nghĩa với việc phải thể hiện mình lão luyện, mà thay vào đó, ta càng phải suy nghĩ nhiều hơn.

Thận trọng ở đây cũng không có nghĩa là sợ sệt. Hãy hiểu rằng chúng ta cần giữ sự an toàn cho bản thân và cả những người xung quanh. Ta luôn nghĩ mình trẻ, ngã bên trái thì đứng dậy bên phải. Vết thương của người 18 tuổi chỉ cần 1 tuần là lành, 30 tuổi thì hơi lâu hơn, đến 40 tuổi thì không những khó lành mà còn mang đến nhiều nguy cơ khác. Mức độ hồi phục của bản thân sẽ thay đổi theo thời gian mà. Cũng phải nhớ rằng thế giới này không chỉ có mình bạn, bạn xỉn rồi lao xuống hồ có khi chẳng ai quan tâm, nhưng nhỡ đâu lại quệt phải người khác thì sao? Họ đâu có nhu cầu ngã, họ chỉ muốn về nhà thôi mà!

Vậy nên, bài học của tôi là khi làm với bất cứ đối tác nào cũng vậy, đừng chỉ nghĩ cho mình. Hãy nghĩ cho cả đối tác, cả dự án, cả khách hàng lẫn gia đình. Và một lần nữa: Đừng bao giờ đi xe mà bỏ hai tay. Thỉnh thoảng bỏ một tay gãi ngứa chút cũng được, nhưng luôn phải quay về hai tay ngay nha!


Vậy nên, bài học của tôi là khi làm với bất cứ đối tác nào cũng vậy, đừng chỉ nghĩ cho mình. Hãy nghĩ cho cả đối tác, cả dự án, cả khách hàng lẫn gia đình. Và một lần nữa: Đừng bao giờ đi xe mà bỏ hai tay. Thỉnh thoảng bỏ một tay gãi ngứa chút cũng được, nhưng luôn phải quay về hai tay ngay nha! 


Có sự liều lĩnh nào của tuổi trẻ đã để lại cho Pew hậu quả để đến bây giờ Pew sợ… bỏ hai tay đến vậy?

Ngu xuẩn thì rất nhiều nhưng cùng lắm là bỏ một tay thôi. Xe vẫn thẳng nhưng mình nhìn xung quanh có vẻ… không hay nên dừng lại luôn.

Bạn hỏi thì tôi cũng mới ngẫm lại, đúng là tôi luôn tự chịu trách nhiệm với những gì mình làm. Chia sẻ điều này hơi cá nhân một chút, có lẽ là do tôi xa gia đình từ sớm nên dẫu làm gì cũng luôn nghĩ đến việc phải uốn nắn bản thân. Đi học xa từ năm 15, 16 tuổi, tiền nhà phải tự tính, ra ngoài thấy món nào ngon cũng phải đắn đo. Đã có rất nhiều lần tôi ở trong tình trạng không đủ thu nhập để trang trải, cố gắng ở lại ăn ở nơi mình làm việc chỉ để được giảm giá. Hồi ấy làm gì có Zalo hay các phương tiện liên lạc tiện lợi như bây giờ? Mỗi lần gọi về cho mẹ là phải hẹn một khung giờ, rồi mua một tấm thẻ cào gọi quốc tế và ra bốt điện thoại mới gọi được.

Có một hình ảnh mà tôi nhớ mãi không quên. Ngày hôm đó, trời mưa rất to, cái bốt điện thoại nằm ở giữa đường trong một cái công viên rất lớn. Tôi phải nép vào thật sát vì mưa ướt. Gọi cho mẹ chỉ kịp hỏi nhanh mấy câu cuộc sống hàng ngày, rồi hỏi con sắp phải chọn môn rồi thì học ngành nào? Môn nào đây? Gia đình thế nào? Một chiếc thẻ có giá 10 đô và mỗi tháng chỉ có một, hai lần được như vậy, thế nên mỗi lần gọi về tôi sẽ phải nghĩ trước xem sẽ kể chuyện gì, mẹ sẽ nói gì, hỏi mẹ cái gì. Những tháng ngày ấy thật sự rất đáng nhớ, và khi đã trải qua những điều đó rồi thì làm sao tôi dám thả 2 tay cho được.

Thôi, câu hỏi cuối cùng đây: Đã làm rất nhiều thứ trong sự nghiệp của mình rồi, vậy Pew muốn mọi người nhớ đến mình là một người thế nào?

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đấy đâu. Tôi chỉ mong những ai từng gặp tôi, trò chuyện với tôi, tương tác với tôi sẽ cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhàng và hạnh phúc. Mong muốn một ai đó nhớ đến mình là một đòi hỏi quá lớn. Vậy nên chỉ cần họ gặp mình thì cười, khóc, thậm chí… bình thường cũng được, miễn là thấy thoải mái là được.

Pew Pew: “Thất bại có gì đâu mà sợ?” - Ảnh 13.

 

Truyền thông viết về đề cử
    Đơn vị tổ chức
    ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
    Đơn vị thực hiện
    SPECIAL THANKS TO
    Đơn vị hợp tác sản xuất ÂM NHẠC
    Đơn vị hỗ trợ