Tiếng hát xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân nghèo
Theo đạo diễn Tôn Thất Toàn, sau khi biết BS Huỳnh Thanh Hiển và BS Võ Xuân Sơn có quỹ “Trái tim trên tường” để giúp các bệnh nhân nghèo có những suất ăn miễn phí, đạo diễn Tôn Thất Toàn mới nghĩ ra ý tưởng tổ chức đêm nhạc “Blouse trắng” do chính các y bác sĩ, điều dưỡng thực hiện để tạo nguồn quỹ lâu dài cho chương trình.
Nghĩ là làm, sau một thời gian chuẩn bị, đêm nhạc đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 6/8/2016 tại một quán café gần công viên Lê Thị Riêng. Nhưng do sự ủng hộ quá nhiệt tình từ mọi người, từ 1 đêm nhạc khai mạc phải kéo dài thành 4 đêm liên tiếp.
“Lúc đầu tôi chỉ nghĩ bác sĩ này hát thì bác sĩ kia đến nghe thôi chứ không ngờ có nhiều người đến ủng hộ như vậy. Thậm chí có những cô chú bán vé số cũng tới xem. Tôi nhớ có những bao thư đựng 20 ngàn từ các cô chú bán vé số đóng góp cho chương trình khiến chúng tôi thật sự xúc động bởi tấm lòng mà mọi người dành cho nhau”, đạo diễn Tôn Thất Toàn nói.
Đảm nhận vai trò đạo diễn “không công”, điều mà bác Toàn bất ngờ nhất chính là các y bác sĩ tham gia blouse trắng, dù bận rộn với công việc, có người vừa buông con dao mổ, có người chạy từ sân bay về… nhưng ai nấy đều hết sức trách nhiệm với đêm nhạc.
Ban đầu đêm nhạc tổ chức một tháng 2 lần nhưng sau đó ‘gút’ gọn lại một lần/tháng. Tôi giới thiệu rất nhiều vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ danh giá trong ngành y.
“Dù ở ngoài các y bác sĩ có những vị trí công việc khác nhau nhưng đến với đêm nhạc blouse trắng thì tất cả đều hát vì bệnh nhân nghèo, bình đẳng như nhau”
đạo diễn Tôn Thất Toàn chia sẻ.
Mặc dù có thể trên sân khấu biểu diễn, các ca sĩ không chuyên đôi khi hát quên lời, trật nhịp, không có kỹ thuật thanh nhạc như các ca sĩ khác nhưng với âm nhạc mà blouse trắng mang lại, nó thật sự chạm đến trái tim của những người mộ điệu.
“Lúc nào quên thì mình chế lời” - câu trả lời dí dỏm của BS Đoàn Thị Huyền Trân (BV Nhân dân 115) khi nhắc đến blouse trắng. Dù biết đến chương trình từ đầu nhưng vì chưa sắp xếp được thời gian, một phần e ngại ánh đèn sân khấu, mãi đến 2 năm sau BS Trân mới xin gia nhập nhóm.
“Lần đầu đứng trên sân khấu mình rất run, các anh chị đi trước hát hay quá khiến mình càng mất tự tin. Nhờ sự động viên của mọi người, mình cũng cố gắng, chăm chỉ luyện tập để làm sao hát ít lỗi, ít chênh phô nhất.
Mình hay nói vui ca sĩ đi hát thì có catxe còn tụi mình đi hát phải bỏ tiền ra để được hát.
Bác Sĩ Huyền Trân chia sẻ.
Blouse trắng đã tạo nên một cái tên, thương hiệu của những y bác sĩ đem lời ca tiếng hát của mình để lan tỏa đến mọi người. Tụi mình tự hào khi tất cả số tiền nhận được từ các đêm nhạc đều dành hết cho bệnh nhân nghèo, còn tiền tổ chức thì mỗi thành viên trong nhóm sẽ đóng góp hàng tháng, BS Huyền Trân chia sẻ.
Cũng giống như BS Huyền Trân, 6 năm tham gia blouse trắng, cuộc sống của dược sĩ Nguyễn Đan Thi trở nên thú vị hơn khi tìm thấy được niềm vui, sự tích cực từ các anh chị em đồng nghiệp. Đặc biệt, những chương trình thiện nguyện, những chuyến đi cùng nhau đến các trung tâm trẻ mồ côi, khu điều trị ung thư… mang lại cho chị Thi những xúc cảm khó quên. Hơn ai hết, chị cảm nhận được những ý nghĩa lớn lao mà đêm nhạc mang lại, đó không chỉ đơn thuần là lời ca tiếng hát mà còn giúp chữa lành những vết thương cho bệnh nhân nghèo.
Những cuộc gọi bất chợt từ bệnh viện trong đêm nhạc
Trong tiếng nhạc saxophone du dương, Ths. BS Trần Hoàng Út say mê biểu diễn trên sân khấu blouse trắng. Làm việc tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nhi đồng 1, BS Út thường xuyên đối mặt với những áp lực vô hình, nơi ranh giới tử thần có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhi bất cứ lúc nào. Sau những giờ làm việc căng thẳng, âm nhạc chính là nguồn cảm hứng lớn nhất giúp BS Út thư giãn, tìm lại nguồn năng lượng để quay lại công việc một cách tốt hơn.
7 năm tham gia blouse trắng, được sự tín nhiệm của anh chị em đồng nghiệp, BS Út trở thành trưởng nhóm, cùng với đạo diễn Tôn Thất Toàn kết nối mọi người với nhau. Dù công việc chuyên môn vô cùng bận rộn nhưng vì tình yêu với âm nhạc, với ý nghĩa mà chương trình mang lại, BS Út luôn hết mình để quản lý, vận hành nhóm một cách tốt nhất.
“Thời gian là của mình mà, dù mỗi y bác sĩ có một công việc khác nhau nhưng động lực để mọi người tham gia là được gặp nhau để chuyện trò, cùng nhau hát hò để lan tỏa yêu thương đến bệnh nhân nghèo.
Có những đêm nhạc, vì tính chất công việc ở khoa, tôi phải bỏ tiết mục của mình để quay lại bệnh viện vì bệnh nhân cần sự có mặt của tôi.
Đó là những ca chạy ECMO, cần một ê-kíp với nhiều mắc xích, mình bỏ dở một tiết mục không sao nhưng nếu không có mặt tại bệnh viện để cùng đồng nghiệp cứu chữa bệnh nhi, tính mạng của bé sẽ nguy hiểm. Một hai tuần sau, bệnh nhi hồi phục khỏe mạnh, đó là niềm hạnh phúc cho bản thân tôi và cả đêm nhạc.
Ở blouse trắng, không chỉ riêng cá nhân tôi mà các anh chị khác cũng thường xuyên đối mặt với những tình huống như vậy. Có lần anh Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố đang diễn ở đêm nhạc, nhận được điện thoại liền bỏ dở để chạy về bệnh viện…, trước khi lên sân khấu cầm mic, chúng tôi phải làm tốt nhất có thể công tác chuyên môn của mình”, BS Trần Hoàng Út chia sẻ.
Cũng giống như BS Út, để có thể tham gia đều đặn các đêm diễn ở sân khấu blouse trắng, ban ngày BS Lê Thành (BV Mắt TP.HCM) phải sắp xếp lịch trực, thực hiện các ca phẫu thuật, nhiều lúc vừa buông dao mổ là chạy đến đêm diễn.
Trong bộ quần áo phẫu thuật, BS Thành tranh thủ ăn vội ổ bánh mì, vừa nhẩm lại lời bài hát. Tham gia blouse trắng từ đêm đầu tiên, hơn 7 năm qua, nhiều lúc BS Thành cũng không hiểu sức lực ở đâu khiến bản thân lại bền bỉ gắn bó đến như vậy.
“Mỗi khi chương trình diễn ra thì anh chị em đến gặp nhau rất vui, ban ngày thì mình cầm dao mổ, ban đêm cầm mic, lúc đứng trên sân khấu thì mình quên hết mọi thứ, chỉ còn có âm nhạc.
Nhiều lúc bản thân bị khớp, quên lời nhưng được các anh chị chia sẻ kinh nghiệm, mình hát lướt hoặc chế lời. Đó cũng là những khoảnh khắc vui khiến mình nhớ mãi vì mọi người đều đến đây để hát bằng trái tim của blouse trắng”, BS Lê Thành nói.