Tiếp cận sáng tạo từ góc độ của lý trí:
Tôi hay nghĩ về những người làm sáng tạo như một định nghĩa khó có thể rạch ròi trắng đen chỉ trong vòng vài dòng. Chắc chắn họ là những người nhạy cảm, có sự sắc bén trong việc chuyển hoá thế giới quan phong phú của mình vào những công việc họ làm. Nhưng nếu chỉ nương nhờ vào cảm xúc thì phong độ & chất lượng công việc khó có thể duy trì ổn định. Tôi cũng vì thế muốn biết xem những cá tính sáng tạo lớn đã-thực-sự-làm-nên-chuyện, họ làm cách nào để cân bằng giữa cảm xúc và thực tế. Hay nói dễ hiểu hơn, họ làm cách nào để kiểm soát cảm xúc của mình một cách hiệu quả và phù hợp.
hương cũng từng nhắc tới điều này trong nhiều cuộc phỏng vấn. Phương nhắc về nó nhiều tới mức tôi nghĩ đó thực sự là một thứ chân ngôn (mantra) được Phương tuyệt đối tin tưởng & làm theo:
"Tôi không tin vào cảm xúc cho lắm. Cảm xúc là thứ rất đẹp, cần thiết trong công việc sáng tạo. Nhưng cảm xúc không phải thứ đáng tin cậy. Tôi nghĩ khi làm một artist (nghệ sĩ), bạn không nên tin vào cảm xúc trong một thời gian dài".
"Antiantiart phát triển là một team độc lập, không hề có quy trình của một công ty lớn. Làm gì chúng tôi cũng phải tự sinh ra một quá trình, tự quản lý, tự sáng tạo, tự làm mà mọi người trong team ai cũng có tính cá nhân rất cao. Để truyền tải được tính cá nhân tới một đơn vị hay một sản phẩm trong một khoảng chi phí thấp mất rất rất nhiều công sức. Tôi học cách để chấp nhận rằng bản thân mình có thể mất cân bằng, mình có thể go insane (phát điên) bất cứ lúc nào. Tôi học cách tiếp nhận những lúc như vậy và cứ làm việc của mình thôi. Điều đó cũng giống như bạn đang tập luyện một loại cơ bắp của trí não, mình càng va vấp rèn giũa thì sẽ càng khoẻ hơn. Lâu dần, tôi tin là mình có cho bản thân một chiếc áo giáp được bồi đắp nhờ vào những lần như vậy. Nghe hơi phòng vệ quá nhỉ, nhưng tôi không nghĩ mình có thể duy trì sự cân bằng lâu khi làm nhiều thứ chứ không chỉ riêng gì hoạt động sáng tạo. Ví dụ như đi tập gym không quen sẽ bị đau tay, cơ bắp mỏi nhức. Tôi nghĩ thật ra không có cách nào để cân bằng cả."
Câu trả lời của Phương làm tôi nhớ tới những kí ức đầu tiên cá nhân tôi có với cái tên Antiantiart. Tôi biết tới Phương vào khoảng năm 2016 - 2017 khi Phương là người chụp ảnh cho Plaaastic - một cô nàng blogger thời trang đã quá cố theo đuổi phong cách… rất dị (kì dị, quái dị, dị biệt hay thậm chí… có phần kinh dị). Ở vào cái thời điểm 5, 7 năm trước khi thuật toán AI còn sơ khai, việc một bộ đôi blogger - nhiếp ảnh gia tạo được ấn tượng không theo bất cứ chuẩn mực nào của số đông; tài khoản Instagram của Plaaastic có đến hơn 600k lượt theo dõi… là một hiện tượng. Tôi không theo dõi đủ sâu nhưng cũng nhớ loáng thoáng Phương đủ thân với Plaaastic đến mức: Khi cô mất Phương đã lên tiếng bênh vực cô trước những lời đồn đoán, xôn xao về sức ảnh hưởng tích cực hay là tiêu cực của Plaaastic tới cộng đồng. Loanh quanh những bài phỏng vấn của những năm đó, Phương từng nói cậu là một người rất cảm tính và bừa (mà tôi chắc chắn giờ có nhắc cậu cũng không còn nhớ nữa). Vì vậy, tôi nghĩ rằng hành trình luyện giáp của Phương là một hành trình âm thầm và bền bỉ thực sự - một hành trình học cách kiểm soát cảm xúc hỗn độn của mình và tiếp cận công việc sáng tạo dưới một góc độ lý trí, mạch lạc.
"Tôi chỉ đang nghĩ mình vẫn là người đi làm nghề, vẫn nhận nhiều đề bài từ khách hàng rồi phân tích và thực hiện lời giải. Tôi nghiên cứu và đọc rất nhiều để chuẩn bị kỹ nhất có thể cho mọi đề bài được tung ra. Tính cá nhân của tôi được thể hiện tốt nhất trong quá trình phân tích và giải đề chứ không phải thông qua một sự bay bổng nào đó. Với anh Binz: anh là một nghệ sĩ lớn chuẩn bị comeback, khi giải đề cho anh Binz mình cần tính tới những yếu tố khác bên cạnh nghệ thuật. Với Wren Evans, cậu ấy có một sự "idol" nhất định thì cách giải đề cũng phải khác. Với Tage, đó lại là một dự án mang nhiều tính cá nhân của tôi, chúng tôi giải đề chỉ bằng 5 dòng kịch bản rồi cứ thế mà quay không chuẩn bị gì nhiều… Cảm xúc cuối cùng chỉ là thứ gia vị đi kèm nêm nếm vào còn vấn đề vẫn phải nằm ở cách nấu".