FAS là viết tắt của First Aid Support - Hỗ trợ sơ cứu ban đầu. Angel nghĩa là thiên thần. Thiên thần luôn có 2 sứ mệnh: Trước tiên là bảo vệ người không may mắn bị nạn. Nếu không thể bảo vệ thì sẽ ở bên cạnh để tiễn họ lên thiên đường. Đó là lý do mà anh Phạm Quốc Việt cho ra đời cái tên FAS Angel.
Mỗi ngày, từ khi hoàng hôn phủ bóng tối xuống mọi nẻo đường, cho đến lúc bình minh đánh thức cả đô thành, các thành viên của FAS Angel lại cắm chốt, túc trực trên hè phố, chờ đợi những cuộc gọi để lao đi, quên mình vì các nạn nhân tai nạn giao thông.
Cộng đồng đã rơi nước mắt khi chứng kiến vụ hỏa hoạn tang thương ở Khương Đình. Nhưng ấm lòng hơn khi biết rằng trong vụ hoả hoạn đó, đội trưởng Phạm Quốc Việt cùng đồng đội cứu hộ liên tục trong 8 giờ để cứu sống 12 người mắc kẹt.
Những chiếc áo cam in logo và dòng chữ "Đội hỗ trợ sơ cứu-FAS Angel" đã trở nên quen thuộc với người dân thủ đô Hà Nội. FAS Angel đã nâng niu trong tay hơn 10.000 sự sống qua 17.000 vụ sơ cứu. Những "anh hùng áo cam" ấy đã không nề hà vác trên vai những sinh mạng đang kề cận cái chết để lao đến bệnh viện trong đêm khuya để cứu chữa kịp thời.
30.000 chiếc tem của anh xe ôm Quốc Việt
Năm 2016, trong một chuyến đi đến Tuyên Quang, anh Phạm Quốc Việt bị một chiếc xe máy đâm trực diện vào người. Ngất đi một lúc, khi tỉnh lại toàn thân anh như bị tê liệt, tay chân không thể cử động, chỉ có đầu óc còn tỉnh táo.
Đưa mắt nhìn xung quanh tìm sự cầu cứu, nhưng mọi thứ hiện tại chỉ là khoảng không vô định, Việt ngất đi một lần nữa. Sau lần tỉnh lại này, anh mở mắt thấy mình đang nằm trên giường một bệnh viện.
"Thì ra, một người qua đường tốt bụng đã nhìn thấy và đưa tôi đi cấp cứu. Tôi có cảm giác như vừa từ cõi chết trở về". Anh kể lại.
Thoát "cửa tử" nhưng có những điều khiến anh đau đáu nghĩ về: Nếu lúc ấy không một ai giúp mình thì sao? Nếu những người gặp nạn trên đường nhưng không một ai dừng lại đưa đi cấp cứu, cơ hội sống của họ sẽ vụt mất như thế ư?
Năm 2017, khi xe ôm công nghệ xuất hiện tại Việt Nam, anh đăng ký tham gia. Lý do khi ấy Việt chọn làm xe ôm rất đơn giản, anh nói đây là công việc vừa có thể kiếm sống, vừa có thể hỗ trợ những người tai nạn. Chỗ nào xảy ra tai nạn giao thông, có người bị thương, anh sẽ đưa họ đi cấp cứu. Đồng thời, anh tìm thêm bạn đồng hành, phân phát tem của nhóm, trong đó có số điện thoại để nhờ người dân thông báo. Dần dần số điện thoại của anh được mọi người nhớ đến và gọi khi cần.
Trong vòng 4 năm qua, hơn 30.000 chiếc tem về thông tin nhóm đã được phát cho người dân trên khắp thủ đô và các tỉnh khác. FAS Angel cũng phát triển mạnh, được nhiều người biết đến hơn trong cao điểm mùa dịch Covid-19, khi lực lượng y tế căng mình chống dịch, xe cứu thương khan hiếm. Chính chiếc xe cứu thương cùng những chiếc áo cam đã cơ động ứng cứu giúp đỡ nhiều nạn nhân của tai nạn giao thông trong lúc này.
Anh Việt vừa kể lại hành trình đặc biệt này với chúng tôi, vừa nhắc nhở mọi người kiểm tra lại "túi đồ nghề", những bông băng, nước sát trùng và trang thiết bị cần thiết nhất để sơ cứu. Lúc này là 22 giờ đêm, Hà Nội lạnh 10 độ.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi Đội nhận được thông báo của người dân về một vụ tai nạn xảy ra tại Lê Đức Thọ, cách điểm tập kết của nhóm chừng 3km. Việt thông báo mọi người rồi vội vã lên xe cứu thương. Các thành viên khác cũng nhanh chóng chạy xe máy theo sau, mặc cho gió rít từng cơn lùa vào người lạnh cóng.
Vốn thông thuộc địa hình trong nhiều buổi đi tuần, chưa đầy 7 phút, các thành viên đã có mặt tại hiện trường. Nạn nhân là một người đàn ông chừng 30 tuổi, va chạm xe máy với một ô tô. Nạn nhân nằm tại ven đường, gương mặt đau đớn, tay chân có nhiều vết xước.
Cùng lúc, xe cứu thương y tế 115 cũng có mặt. Nhóm FAS Angel chia nhau, người thì sơ cứu cho nạn nhân, người thì bảo vệ hiện trường, người tạo vành đai để tránh gây ùn tắc giao thông. Ngay sau đó, nhóm hỗ trợ cùng nhân viên y tế 115 đưa nạn nhân lên xe cứu thương tới bệnh viện gần nhất.
Hoàn thành nhiệm vụ, cả nhóm lại quay về điểm tập kết.