Một buổi sáng chủ nhật tuần cuối cùng tháng 5, hàng loạt trang tin tức điện ảnh uy tín toàn cầu đồng loạt đưa tin về chiến thắng rực rỡ của điện ảnh Việt tại Cannes. Bộ phim Bên Trong Vỏ Kén Vàng tái lập thành tích của Mùi Đu Đủ Xanh (1993) khi đoạt giải Máy Quay Vàng - hạng mục dành cho tác phẩm điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất tại liên hoan phim danh giá. Bất ngờ hơn nữa, tác phẩm không đến từ những đạo diễn đã quen thuộc trong nước mà ra đời nhờ giấc mơ của một chàng trai Việt Nam tự học điện ảnh bằng nghề quay dựng video đám cưới, xem sự nghiệp làm phim như “một tiếng gọi thiêng liêng”.
Nếu vào trang cá nhân của Phạm Thiên Ân - “cha đẻ” của Bên Trong Vỏ Kén Vàng, nhiều người sẽ không nghĩ đây là đạo diễn đang “làm mưa làm gió” trên diễn đàn điện ảnh thế giới. Thay vào đó, thứ đầu tiên trên trang cá nhân của anh khiến người ta chú ý lại là một tấm ảnh được cắt ra từ Fire of Love, bộ phim tài liệu về cuộc đời vợ chồng nhà khoa học Katia và Maurice Krafft - những người dành cả đời cống hiến cho công việc nghiên cứu hoạt động của núi lửa, trước khi thiệt mạng vì một vụ phun trào bất ngờ tại vùng Unzen (Nhật Bản) năm 1991.
“Cuộc sống của chúng ta chỉ giống một cái nháy mắt nếu so sánh với tuổi đời của các núi lửa”. Đó là câu thoại ưa thích được Thiên Ân chọn làm ảnh bìa trang cá nhân, xuất hiện ngay sau chi tiết cái chết của vợ chồng nhà khoa học xấu số trong phim. Sau cảnh đó, Miranda July (người dẫn chuyện của Fire of Love) truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, rằng dù quãng thời gian nhân loại xuất hiện trên Trái Đất thực sự khiêm tốn, con người vẫn có khả năng để lại những dấu ấn vô cùng to lớn trên hành tinh này.
Từ cậu bé không xem nổi phim nghệ thuật quá 10 phút đến đạo diễn đoạt hàng loạt giải thưởng quốc tế
Tình yêu với điện ảnh của Phạm Thiên Ân phần nào cũng giống câu chuyện của hai nhà khoa học quả cảm Katia và Maurice Krafft. Sinh ra và lớn lên ở một xóm đạo tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), cậu bé Thiên Ân cũng chưa bao giờ nghĩ một ngày sẽ trở thành đạo diễn. Hồi nhỏ, anh thường cùng nhóm bạn tổ chức các buổi xem phim siêu anh hùng, hành động như bao đứa trẻ khác. “Thú thật, lúc đó tôi cũng không có nhiều cảm nhận về điện ảnh. Chắc tôi chỉ đủ kiên nhẫn xem một bộ art-house (phim nghệ thuật) trong 10 phút”, anh chia sẻ.
Đến tuổi trưởng thành, Thiên Ân rời quê xuống TP.HCM theo học ngành công nghệ thông tin. Sau khi ra trường, giống nhiều người trẻ khác, anh trải qua một quãng thời gian mông lung, không biết chọn lối rẽ nào trước ngưỡng cửa trưởng thành. Trong lúc đó, nghệ thuật như một luồng sáng hiếm hoi khiến Thiên Ân cảm thấy thích thú, dẫn đến quyết định tìm một công việc nào đó “có chút liên quan đến lĩnh vực này”.
Anh nhớ lại: “Sau khi ra trường, tôi dành thời gian lên mạng tự học quay, dựng video và nộp đơn xin vào một công ty sản xuất phim đám cưới, và ồ tôi được nhận. Nghề này ở Việt Nam thu nhập khá tốt”.
Sau khi ra trường, tôi dành thời gian lên mạng tự học quay, dựng video và nộp đơn xin vào một công ty sản xuất phim đám cưới, và ồ tôi được nhận. Nghề này ở Việt Nam thu nhập khá tốt
Năm 2015, Phạm Thiên Ân cùng gia đình sang Mỹ định cư. Khi chuyển đến đất nước mới, người nhà khuyên anh học một số nghề để ổn định như cắt tóc hay làm móng để kiếm kế sinh nhai. Vì muốn có nhiều thời gian để xem phim và nghiên cứu về điện ảnh, Thiên Ân nhất quyết bám trụ với sự nghiệp quay dựng video đám cưới.
Công việc này không đòi hỏi làm liên tục mỗi ngày, lại giúp anh có cơ hội thực hành những kiến thức tự học được trên mạng. Vợ anh ủng hộ chồng khi kiêm thêm nghề trang trí tiệc. Sau này, cô cũng giữ nhiệm vụ phụ trách thiết kế bối cảnh cho Bên Trong Vỏ Kén Vàng.
Chàng thanh niên tốt nghiệp ngành IT bắt đầu chìm đắm theo dòng chảy phát triển của làng điện ảnh thế giới. Dần dần, những bộ phim nghệ thuật “khó nuốt” mà cậu bé Thiên Ân ngày trước chỉ xem nổi 10 phút rồi tắt lại trở nên hấp dẫn đến lạ kỳ.
Thiên Ân chia sẻ: “Tôi nhận ra khi tạo một thế giới riêng trong điện ảnh thì không có giới hạn. Chúng ta có thể vượt qua mọi rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, cuộc sống. Các bộ phim cho phép ta chơi đùa với thời gian, không gian và cảm xúc. Tôi cho rằng điện ảnh là nơi mà ta được biểu đạt góc nhìn riêng tư về các lát cắt của cuộc sống. Nó cho tôi cơ hội được đối mặt với những vấn đề bản thân từng cố gắng phớt lờ trước đây. Điện ảnh giúp tôi tìm ra con đường, mục đích sống và là cách để tôi cống hiến cho cuộc đời này”.
Tôi nhận ra khi tạo một thế giới riêng trong điện ảnh thì không có giới hạn. Chúng ta có thể vượt qua mọi rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, cuộc sống. Các bộ phim cho phép ta chơi đùa với thời gian, không gian và cảm xúc. Tôi cho rằng điện ảnh là nơi mà ta được biểu đạt góc nhìn riêng tư về các lát cắt của cuộc sống. Nó cho tôi cơ hội được đối mặt với những vấn đề bản thân từng cố gắng phớt lờ trước đây. Điện ảnh giúp tôi tìm ra con đường, mục đích sống và là cách để tôi cống hiến cho cuộc đời này