Cuộc hội ngộ của những "anh em đường phố"
Nguyễn Văn Băng (SN 1991) cũng như Chiến, anh rời quê lên Hà Nội từ năm 17 tuổi và làm phụ hồ để mưu sinh. "Lúc ấy, mình mới biết kiếm được đồng tiền khó khăn như thế nào", Băng chia sẻ.
Được 1 năm, Băng có quyết định nhập ngũ. Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ, anh lại tiếp tục lao ra đường, bươn chải đủ thứ nghề, vướng vào cả "bẫy đa cấp". Anh đã "gần như mất định hướng, cứ nay đây mai đó, có việc gì thì làm, không biết tương lai của mình sẽ ra sao".
Sau khi gặp anh Phúc, được mời về cùng phát triển, cùng làm việc, Băng nói: "Cuộc đời tôi như sang một trang mới, giờ em tôi cũng đang làm việc tại đây, kinh tế thu nhập ổn định, chúng tôi có thể tự trang trải cuộc sống, cũng như lo được một phần cho gia đình ở quê".
Niềm vui của Băng chỉ đơn giản là được "cùng làm, cùng ăn uống với mọi người trong xưởng". Anh nhận được thu nhập tương xứng với khối lượng công việc mình làm, không có cảm giác như tớ đang làm cho chủ.
Trong số những người từng làm ở Bệnh viện Đồ Da. Cô gái tên K. có lẽ là người để lại nhiều ấn tượng nhất với Phúc. Vì cô là nạn nhân buôn người.
K. là người đồng bào, tảo hôn từ rất sớm. Năm 2015, K. bị bán sang Trung Quốc làm vợ. Sau 6 năm, K. được giải cứu trở về nhà. Ngày 26/7/2021, K. trở thành thợ may tại Bệnh viện Đồ Da.
K. đến với Bệnh viện Đồ Da là một mùa hè năm 2021. K. là một cô gái đen gầy, mắt trũng sâu. Thực sự khi ấy, bạn mới chỉ 30 tuổi, nhưng ai nhìn K. cũng thấy như một bà cô đã ngoài 40. Sự khắc khổ đã hằn lên khuôn mặt ấy, một con người đã trải quá nhiều nỗi đau
Phúc chậm rãi kể lại.
Gặp những thành viên tại xưởng, K. rụt rè, ánh mắt luôn mang sự đề phòng, chỉ khi ai hỏi gì mới nói vài câu dè chừng. Để có lòng tin từ K., giúp cô hoà nhập lại và cùng phát triển, anh Phúc và những người đồng đội phải đặt bản thân vào vị trí của cô. Mọi người tâm sự về câu chuyện cuộc đời mình, về những gì mình làm và trải qua. Với sự đồng cảm và thấu hiểu, K. dần mở lòng hơn.
Đến sau này, K. xuất hiện với một hình hài hoàn toàn thay đổi, anh Phúc nói: "Tôi luôn nhớ hình ảnh khuôn mặt ủ rũ của K, và gương mặt tràn đầy năng lượng, sự lạc quan sau này của cô".
Sau khi K. cứng nghề, anh Phúc lại giới thiệu cô đến một xưởng may lớn hơn, bởi anh mong muốn cố gái này có môi trường để phát triển hơn nữa. Bởi theo anh, nếu chỉ là xưởng đồ da này, cô hay nhiều bạn sẽ thiếu nhiều kinh nghiệm trong việc có thể tiếp cận những mẫu hàng mới.
Tôi đều mong muốn mỗi người trong xưởng đều tự tạo được hướng đi riêng sau này, còn xưởng mình có thể coi là cái nôi để các bạn được học, được làm, được biết. Các bạn có đầy đủ điều kiện phát triển hơn nữa, bản thân các bạn cần được nâng cấp về cả tay nghề, bản thân và môi trường nên mình luôn động viên các bạn hãy chọn hướng đi sau khi đã học đủ từ Bệnh viện Đồ Da
Anh Phúc bộc bạch.